Phải có lồng gà đẹp mới đón được cô dâu
Thứ tư, 00:00, 24/05/2017 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài

VOV4.VN - Khi nhà trai sang nhà gái đón dâu, lễ vật mang sang có nhiều đến đâu cũng không thể thiếu lồng gà đan bằng nan tre, trang trí đẹp mắt. Phong tục ấy đến nay người Pà thẻn vẫn giữ.

 

Lồng gà như chiếc kiệu hoa

Hai chiếc lồng bằng nan tre, một lồng có 4 con và một lồng có 2 con gà. Ở chiếc lồng có 4 con, người ta dán xung quanh lớp giấy đỏ, đính những đồng xu với các tua màu. Lồng 2 con, để nguyên, không trang trí. Cho cả hai lồng gà vào chiếc lồng tre lớn. Trong ngày đón dâu, Ông thầy cúng sẽ mang chiếc lồng lớn này đến nhà cô dâu. 

 

TS Huyền Nhung, công tác tại Ủy ban Dân tộc, cho biết, nhà trai có đón được dâu về nhà mình hay không phụ thuộc rất lớn vào chiếc lồng gà này. Người Pà thẻn coi chiếc lồng gà được trang trí ấy chính là chiếc kiệu hoa nhà trai mang sang nhà gái để rước dâu. Gà cũng phải được trang trí đẹp mắt. Người ta sẽ đặt chúng lên bàn thờ nhà gái để cúng, xin phép tổ tiên nhà gái.

 

"Nếu nhà chú rể không làm cái kiệu đẹp như thế, không làm một cái lồng gà đẹp như thế, thì dù có tất cả những công đoạn trước đó, nào dạm ngõ, ăn hỏi lần 1, lần 2 đã xong hết, nhà cô dâu cũng có quyền từ đám cưới, từ hôn luôn. Không làm lồng hoa đẹp tức là không trân trọng con gái họ. Đã không trân trọng thì con họ không thể hạnh phúc được. Vì thế họ không đồng ý" - theo TS Nhung.

 


Lồng gà được trang trí đẹp mắt, chuẩn bị đi đón dâu. Ảnh: vme.org.vn

 

Cô dâu đi trốn...

 

Khi đoàn đón dâu sang nhà gái, cô dâu phải sang nhà hàng xóm, bạn bè hoặc người thân lánh mặt. Tuy nhiên, nhà người được cô dâu chạy sang lánh mặt, cũng phải được lựa chọn kỹ. 

 

Đó phải là nhà có nền nhà thấp hơn nền nhà cô dâu. Đông bào quan niệm cô dâu có trốn phải trốn chỗ thấp, trốn chỗ cao chú rể không thể đón được về nhà mình. 

 

"Khi đón dâu, người Pà thẻn phải làm thủ tục "cắt ma" cho cô dâu để được "nhập hộ khẩu" nhà chú rể. Trong ranh giới giữa việc ở và đi, lúc đấy nếu cô dâu đi trốn chỗ cao hơn, sẽ không thể làm thủ tục "cắt ma". Chú rể sẽ không thể đón được cô dâu. Chỉ có đến chỗ thấp hơn cô dâu mới có thể về được nhà chồng. Về đến nhà chú rể cũng phải ở nhà hàng xóm. Và cái nhà đấy cũng phải có cái nền nhà thấp hơn, không được vào cái nền nhà cao hơn"  - TS Huyền Nhung nói.


Trước khi chia tay nhà gái, ông quan làng – người am hiểu phong tục tập quán, đứng ra nói những lời răn với cô dâu, chú rể. Ông sẽ thay cha mẹ cô dâu, chú rể dạy đạo lý làm vợ làm chồng, ứng xử sao cho cuộc sống gia đình thuận vợ thuận chồng, trong êm ngoài ấm: "Nếu cãi nhau, bát to không được động đến bát bé; bát bé không được động đến cái nồi".

 

Ông quan làng dặn dò đôi vợ chồng dù nghèo khổ cũng không được chê nhau. Cưới là tự nguyện, không phải ép buộc. Vì thế, sau này nếu một trong hai người cho đó là sự ép buộc, người ta sẽ có hình phạt đích đáng, đánh vào kinh tế.


"Ví dụ, cô dâu nói là cô dâu bị ép buộc, hoặc cô dâu chê nhà chú rể nghèo thì họ hàng nhà chú rể sẽ tập trung đông đủ, mở hết chuồng gà, chuồng lợn, con nào to nhất thì bắt thịt. Đánh vào kinh tế, cho nên không ai dám chê cả" - TS Huyền Nhung nói.

 

Sự giáo dục ấy, bao đời nay người Pà thẻn vẫn duy trì trong đám cưới. Đó cũng chính là nền tảng để người Pà thẻn gây dựng hạnh phúc gia đình, học cách hoàn thiện mình, học cách làm người trong sự đoàn kết, gắn bó với cộng đồng.

 

 

Thu Cúc/VOV4

Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC