Phải được "cấp bằng" mới thành thầy cúng
Thứ ba, 00:00, 20/09/2016

(VOV4) - Người Thái có một nghi lễ quan trọng danh cho thầy Tào là lễ Xích môn, hay còn gọi là lễ cấp sắc. Nghi lễ này chính thức công nhận những mo môn đã trưởng thành và trở thành một thầy Tào thực sự.

 

Việc đào tạo các thầy mo, thầy tào, với người Thái là một việc rất công phu, mất không chỉ một vài năm mà có thể kéo dài tới hàng chục năm. Thầy mo phải là những người có căn số, hoặc có sự kế thừa từ dòng tộc; phải là những người sáng dạ, am tường văn hóa dân tộc, thông thuộc những bài tế, bài cúng phục vụ cho cộng đồng làng bản. Họ là đại diện và cũng là cầu nối giữa thế giới hữu hình và vô hình.

 

Theo ông Vi Văn Viễn, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam: “Xích môn là cấp bằng sắc cho các đệ tử khi đã học xong một môn phái và anh muốn trở thành người có trách nhiệm với xã hội, làm những việc phúc cứu người. Học có thể vài năm, có khi hàng chục năm, khi thầy kiểm tra anh đạt đến trình độ nào đấy thì sẽ làm một cái lễ cấp bằng sắc để anh có vị trí thực hiện vai trò của mình. những người học mo môn đó phải học rất nhiều, không những học thuộc tất những bài cúng mà còn phải am hiểu phong tục tập quán". Thầy mo phải can đảm trước mọi biến cố, hiểm nguy, gặp phải trắc trở phải biết xoay vần, chứng tỏ được sức mạnh của ý chí.


 

Thầy Tào với chiếc mũ 5 dải được cấp để làm phúc cho dương gian, bản làng. Ảnh minh họa: baomoi.com

 

Theo ông Viễn, có những thử thách trong nghi lễ cấp sắc. Ví dụ hôm cấp sắc thì sư phụ thử thách các đệ tử của mình, có người bị kiếm đè nằm sấp, sư phụ dùng lửa hơ qua để thử thách bản lĩnh trước sự chứng kiến của những người cùng học, nếu ai yếu bóng vía thì sẽ không được cấp bằng sắc. Các thầy mo Thái rất bí mật với những việc như thế.

  

Việc chọn con hương, đệ tử không được tùy tiện, không phải ai cũng được chọn. Nhiều đệ tử sẽ ảnh hưởng đến thầy, do vậy phải hết sức kỹ càng: “Anh biết một bài thuốc rất quý nhưng người ta quan niệm nếu như nhiều người biết thì thuốc của mình sẽ mất thiêng, cho nên người ta ít truyền. Nên người Thái mất đi nhiều bài thuốc quý, các cụ già đi thì tất cả các nghề ấy cũng đi theo. Xích môn cũng thế, cũng không cho nhiều người tiếp cận. Thời gian người ta tổ chức cũng bí mật lắm” - ông Viễn nói.

 

Thầy sẽ kiểm tra từng học trò, cảm thấy đạt thì cấp cho một cái sắc. Sắc đó, là lời thề không được làm điều ác, phải giữ gìn những luật tục, những quy định của bản mường.

 

Bà Then được cấp mũ, áo, chùm xóc nhạc... Ảnh minh họa: baomoi.com

 

Ngày được cấp sắc là ngày trọng đại đối với mỗi thầy Tào. Lúc này, họ cũng đã là những bậc thầy về cúng bái, nhưng với thầy mình họ phải tuyệt đối nghe theo và phải thể hiện được đức tính khiêm nhường của mình. Hôm làm lễ cấp sắc ấy, họ phải thề trước sư phụ không được làm những điều gian trá, trung thành với thầy dạy.

 

Thầy cúng là nam giới gọi là mo môn, nữ giới gọi là me môn, có nơi gọi là me khóa. Mo môn thì chuyên đưa tiễn hồn ma lên mường trời, đi vào những hang sâu ngõ hẻm gọi hồn của người ốm trở về. Còn me môn cúng cầu nguyện sức khỏe.

 

Theo ông Viễn, "người Thái cho rằng me môn lại thiêng hơn các mo môn, tinh thông hơn, lên các cửa ải Mường Then khéo hơn và linh nghiệm hơn. Me môn cúng thường nhanh hơn và các lễ vật phải dâng ít hơn. Các ông mo cúng buộc phải có chó chẳng hạn, phải có bao nhiêu vịt, nhưng các me môn lại có thể giảm trừ được. Me môn dùng các vòng tay bạc thay thế được các lễ vật, gia chủ không phải lo lễ vật nhiều. Các bà cao tay mới làm được”.

 

 

 

Việt Phú/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC