Phụ nữ Tày mang thai không được lại gần chuồng gà
Thứ tư, 00:00, 02/11/2016 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài

(VOV4) – Khi mang thai, người mẹ không được lại gần chuồng gà, chuồng lợn vì sợ lây bệnh, mẹ sẽ mất sữa – đó là quan niệm của người Tày ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.

 

 

“Con cái là do Mẹ Hoa ban tặng”

  


Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ mẹ sinh sản (còn gọi là Mẹ Hoa hay bà Mụ), người Tày quan niệm những đứa trẻ được sinh ra là do bà Mụ nhào nặn mà thành. Bà làm chủ chuyện sinh sản trên thượng giới và có quyền phân phát con cái cho người hạ giới. Những người dưới hạ giới chỉ là thừa lệnh bà mà sinh con thôi. Nếu những người làm cha, làm mẹ đó đối xử với con cái không tốt, bà sẽ thu hồi lại. 

 

Chị Đặng Thị Nga, ở thôn Tân Lập, bảo có lẽ vì thế mà với đồng bào Tày, con cái luôn được trân trọng, nâng niu: “Mình đã có bầu, sinh con ra, Mụ chỉ dẫn thế nào thì con mình nó như thế. Đứa trẻ sinh ra là do bà Mụ nặn. Từng ngày một, từng ngày một mình ở với con, nó cười, nó khóc hay là nó có nhếch nhác là Mụ nặn, Mụ bảo”.

 


Lễ cúng đầy tháng của người Tày ở Hà Giang. Ảnh: langvietonline.vn

Chính vì sự hiện diện đặc biệt của đứa trẻ mà từ lúc mang thai, bé đã được người lớn chăm sóc chu đáo. Thậm chí, có những kiêng kỵ đã trở thành những nguyên tắc bất di bất dịch trong đời sống của người Tày. Ví như, khi có thai, người mẹ không được lại gần chuồng gà, chuồng lợn vì sợ lây bệnh, mẹ sẽ mất sữa. Khi lên nương, thai phụ không được dẫm vào gốc cây có quả như cây ớt, cây mận, kẻo con sẽ không có sữa bú và những loại cây này cũng sẽ không đậu quả. 


“Mang thai, thứ nhất, người ta về già, khuất núi ấy là mình không nên đi. Chồng cũng không nên đi đào huyệt. Kiêng như thế để khỏi động vào cái thai” - chị Nga nói.

 


Không tự ý đi thăm bà đẻ

 


Theo ông Hoàng Ngọc, ở thôn Tân Lập, khi sinh con, bắt buộc dưới chân cầu thang của gia đình sản phụ phải dựng một cây nêu, hoặc cắm lá xanh trước cửa nhà để nhắc nhở người lạ. Bởi không phải ai cũng được bước lên nhà để thăm đứa trẻ. 


“Bây giờ chẳng nghiêm ngặt như thế nữa. Nhưng người ta vẫn kiêng thế này: ai khỏe mạnh thì lên vẫn được. Nhưng ví dụ có tật nguyền, bị què quặt, hay già thì không bao giờ lên chơi. Già, bệnh tật là người ta kiêng”.


Chị Nga kể cho đến giờ, khi đi sinh ở viện về, người phụ nữ vẫn phải bẻ một cành ổi hoặc cành nhãn, hơ qua chậu than rồi cài lên cửa ra vào. Xong, bước qua chậu than vào nhà, coi như mình trừ hết tà ma để nó khỏi bám theo con, để con đêm ngủ khỏi giật mình khóc. 

 

Ông Hoàng Ngọc còn bảo những người đang chịu tang, hoặc phụ nữ "đến tháng" cũng cần tránh không đến chơi với cháu nhỏ, tránh những điều không may mắn cho gia đình. Làm lễ xong, ra tháng, mọi người thoải mái lên thăm.

 

Trong quá trình nuôi dưỡng, nếu đứa trẻ ốm đau bệnh tật, người ta sẽ thắp hương, làm lễ kêu cầu bà Mụ để bà phù hộ cho đứa trẻ nhanh chóng tai qua nạn khỏi. 


Chính vì bà Mụ có vai trò quan trọng như vậy nên ông Hoàng Ngọc cho biết ngay từ khi đứa trẻ ra đời, người ta lập bàn thờ riêng để cúng bà với hàm ý bà Mụ sẽ bảo trợ suốt đời cho đứa bé. Cho đến khi chúng 12 tuổi, người ta sẽ đưa bàn thờ cúng mẹ Hoa vào cúng chung trên bàn thờ tổ tiên. 


“Bàn thờ Mụ phải buộc lên cạnh bàn thờ tổ và luôn luôn có hoa, chuối hay cây gì đó nhưng phải có hoa. 12 bà mụ đã nặn ra, đẻ ra cho mình đứa con này. Mình phải thờ bà mụ đến khi đứa trẻ 12 tuổi là thôi” - ông Ngọc nói.


 

 

Thu Cúc/VOV4

Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC