(VOV4) - Phụ nữ Tày được bình quyền và tự định đoạt duyên phận của mình. Sự tôn trọng vợ, tôn trọng bên ngoại thể hiện rõ nét qua lễ cưới và cả quá trình chung sống với nhau của người Tày.
Phụ nữ Tày được quyền thách cưới, nhưng thực chất tài sản tiền bạc ấy không đem sử dụng mà để lại cho cha mẹ mình, tựa như một sự trả ơn với bậc sinh thành đã nuôi mình khôn lớn.
TS Hoàng Nam, nhà nghiên cứu văn hóa Tày-Nùng, chia sẻ: "Thách cưới thì dùng số tiền ấy cho cô dâu mua chăn màn quần áo, trâu gà, cả cái nồi, cái kiềng, cái cuốc… Mua cho con gái cũng là mua cho bố mẹ, giúp bố mẹ trang trải. Theo phong tục, mọi chi phí tổ chức đám cưới của nhà gái đều do nhà trai lo liệu, từ tiền mặt, lợn, gà, gạo, rượu để làm cỗ mời họ hàng làng xóm. Điều đó có ý nghĩa là nhà trai tỏ lòng biết ơn, mong đền đáp phần nào công lao dưỡng dục của bố mẹ cô gái".
Sau lễ vật thách cưới, nhà trai chuẩn bị lễ đón dâu gồm rất nhiều thứ: Tiền dẫn cưới, 100 chiếc bánh chưng, 400 chiếc bánh dày nhỏ, một con lợn quay, 120 kg thịt xôi, 150 chiếc bánh tét, một túi hạt giống vv...
Sính lễ nhà trai mang sang nhà gái. Ảnh: baomoi.com
Bà Vân, ở bản Pò Chạng, xã Quốc Khánh, Tràng Định, Lạng Sơn, nhớ lại đám cưới của mình từ năm 1940: "Lễ cưới ngày xưa thì đồ sính lễ bánh dày - lợn cũng mấy loại: 1 con lợn to 80-100 cân, kèm theo hàng trăm chiếc bánh. Trước ngày cưới 10 ngày, người ta thường có 1 đôi lợn còn sống, khoảng 60-70 cân, to nữa càng tốt".
Chú rể còn phải tinh tế để ý chuẩn bị từng phần quà cho họ hàng nhà gái, từ ông bà nội ngoại, bố mẹ, đến anh chị em. Giá trị vật chất không nhiều, nhưng đó là đạo lý. Theo lý giải của ông Hoàng Đức Hiền, Phó chủ tịch Hội bảo tồn dân ca tỉnh Cao Bằng:
"Nếu người con gái đi làm dâu còn ông bà nội ngoại thì nhà trai cũng lo ít nhiều, 1 cái áo chẳng hạn, mấy mét vải, đó là tình anh em. Không có định mức, do nhà trai chọn. Quà đó có ý nghĩa gắn kết với nhau. Lấy con nhà người ta thì cũng có ít quà cho anh em ruột, cô dì chú bác".
Giá trị của người con gái được đề cao không chỉ qua lễ vật đủ đầy trong đám cưới, mà còn thể hiện ở sự tôn trọng lâu dài, người Tày gọi là “làm giá”. Kết thúc lễ cưới, cô dâu không về nhà chồng ngay mà ở lại nhà mình tầm một tháng, có việc thì nhà chồng đến đón. Lần nào đón cũng phải có ông quan lang vào dắt cô dâu ra, chú rể đứng ở ngoài đội nón, che ô cho vợ. Rồi trong khoảng thời gian đó, cô vợ trẻ vẫn thoải mái đi hội.
Sau khi về ở với chồng, quyền chủ động và quyết định trong hôn nhân của phụ nữ người Tày vẫn được tôn trọng và đề cao thông qua hình thức “phạt vạ”. Người đàn ông nếu muốn ruồng bỏ vợ thì phải nộp phạt vì đã “làm mất danh dự” của vợ. Mọi lễ vật do người vợ tự quyết. Nếu người vợ còn yêu chồng, còn muốn ở với người chồng thì sẽ “tâng” lễ vật lên cao ngất ngưởng, để người chồng không có khả năng trả, đành phải bỏ ý định ly hôn. Nếu không còn yêu, họ sẽ chia tay trong sự công bằng, bình đẳng.
Trong hôn nhân, người phụ nữ Tày được tự định đoạt số phận mình. Ảnh: baomoi.com
Trong một số trường hợp, người đàn ông Tày không thực hiện “phạt vạ” sẽ không thể đi tìm hiểu và lấy thêm ai nữa. Không cần văn bản giấy tờ, không cần thông báo nhưng đâu đâu cũng biết, làng xóm trên dưới ai ai cũng chê trách. Theo bà Nông Thị Vân, “phạt vạ” nặng như vậy, mới đảm bảo đôi vợ chồng trẻ ở với nhau trọn tình và người chồng không dám làm điều thất đức:
"Nếu người vợ thất tiết thì cũng phải chia đủ, vì mình đã đón con dâu về nhà, con dâu đã qua đời thanh niên ở nhà mình, thế là phải chia cho, nếu chị không ở mà đi lấy chồng khác chị vẫn được hưởng suất ấy".
Không chỉ đề cao vai trò người vợ, những chàng rể dân tộc Tày còn đặc biệt coi trọng mẹ vợ. Trong đám cưới của người Tày có hẳn một cái lễ gọi là “sẳm khơ” báo hiếu công ơn của mẹ vợ. Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái đón dâu không thể thiếu một lạng bạc, một cây lụa và một miếng vải đỏ, gọi là “rằm khấư”. Miếng vải này biếu mẹ vợ để sau bà may địu tặng cháu ngoại trong ngày đầy tháng.
Nhà thơ Dương Thuấn cho biết: "Ngày cưới, nhà trai bao giờ cũng mang cho nhà gái 1 cây vải nửa nhuộm màu hồng đào nửa vẫn để nguyên. Khi cha mẹ vợ qua đời, người ta lấy mảnh vải đó để liệm. Tùy nhà trai giàu hay nghèo, giàu thì có cây vải dài hơn, nhưng cây vải người Tày thường định sẵn rồi, 5 sải 7 sải hoặc 12 sải, cứ thế người ta lấy đem đi thôi".
Người Tày quan niệm có bà ngoại mới có con dâu, mới có đứa cháu để bế bồng. Nên họ dành cho bà ngoại vinh dự lớn nhất, là người đầu tiên sử dụng cái địu mới mình làm để địu cháu đi “bán tháng” khắp làng. Bà ngoại cũng là người ẵm cháu vào nôi và cất lời ru đầu tiên. Từ tục lệ đó, mỗi năm 2 lần, cháu bé cùng mẹ “đi tái”, chúc tết ông bà ngoại, xin lộc cho cháu.
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận