Pơ Thi: ngày hội lớn nhất của người Tây Nguyên
Thứ sáu, 00:00, 27/01/2017

(VOV) - Pơ Thi – lễ bỏ mả, được coi là lễ hội lớn nhất của đồng bào thiểu số ở Tây nguyên nói chung và người Gia rai nói riêng. Người Gia rai quan niệm chết chưa phải là hết, người ta mới tạm rời cõi sống để sang cõi Atâu cùng với Giàng (thần linh).

 

Sau khi chôn cất, hàng ngày, người sống vẫn mang cơm nước đến chia cho người đã khuất. Đến khi gia đình, dòng họ đã chuẩn bị đầy đủ bò, heo, gà, dê..., họ sẽ quyết định làm lễ Pơ thi để chia tay lần cuối, vĩnh viễn không vướng bận với người đã khuất.

 

Lễ Pơ thi thường được tổ chức trong mùa “ăn năm, uống tháng”, mùa kéo dài suốt 3 tháng mùa khô (khoảng cuối tháng Chạp đến tháng 3), tương ứng với khoảng thời gian thu hoạch xong mùa màng của năm trước và bắt đầu vụ gieo trồng của mùa màng năm sau.

 

Trong lễ Pơ thi sẽ hội tụ gần như đầy đủ các nét văn hóa đặc sắc của người thiểu số ở Tây Nguyên, như: tạc tượng nhà mồ, đánh cồng chiêng, xoang, hát dân ca...

 

Những hình ảnh trong lễ Pơ thi được tổ chức ở Gia Lai:

 

Dưới tán những cây cổ thụ trăm tuổi, trong ánh bình minh, những nghi thức đầu tiên của một lễ Pơ thi bắt đầu

Trâu bò dùng để hiến sinh thường do cả dòng họ góp lại. Càng nhiều trâu bò chứng tỏ gia chủ càng giàu có

Dân làng sẽ cùng góp sức để làm thịt trâu bò cho lễ Pơ thi

Chỉ có đầu trâu, đầu bò mới dùng làm lễ

Chúng được đặt nơi trang trọng

Tượng Nhà mồ là thứ luôn phải có trong mỗi Lễ Pơ Thi. Những bức tượng thể hiện sinh động đời sống sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên. Tượng buồn, tượng vui, tượng giao hoan… đủ cả!

Trong các loại tượng nhà mồ, tượng người ôm mặt là loại tượng phổ biến và cổ xưa nhất

Người già, nhiều kinh nghiệm cầm chiêng to, người trẻ cầm chiêng bé, theo nhịp mà đánh, hợp nhất thành điệu thành bài, không buồn cũng chẳng vui

 

Âm trầm, âm cao, âm vang tới những vách núi xa xa, tới tận cổng trời, đánh động tới cõi của Yàng

Đánh cồng chiêng luôn có đội nhóm

Nghệ nhân chỉnh chiêng thực hiện thao tác ngay tại lễ Pơ thi

Trẻ em tiếp xúc và bắt học cách đánh cồng chiêng từ những ễ Pơ thi

Đàn bà xoang

Vòng xoang nối dài, chân dậm đều, tay cầm tay, nối thành một vòng, đều thành một nhịp, chậm rãi từng bước và luôn ngược chiều kim đồng hồ

Pơ thi là nơi hội tụ gần như đầy đủ các nét văn hóa đặc sắc của người Tây Nguyên: cồng chiêng, múa, tạc tượng nhà mồ, hát dân ca, sử thi...

Dân làng vui chơi thâu đêm suốt sáng trong 3 ngày liên tục

 


 

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC