Rồng trong tâm linh người Hà Nhì
Thứ tư, 00:00, 01/02/2017

(VOV4) - Trong văn hóa Hà Nhì tồn tại một hình tượng thiêng hóa gắn với từng nguồn nước cụ thể. Ngoài các vị thần cai quản, điều tiết nguồn nước ổn định như thần nước mà bà con gọi là Soóng Sự, thần đầm lầy (Ứ Na Mì Tò), thần suối (Ló Nhù)…, người Hà Nhì còn có quan niệm về một loài vật có khả năng phun nước, tạo mưa, đó là loài rồng.



 

Người Hà Nhì có nhiều chuyện cổ nhắc đến sự tích loài rồng, song đến nay, không còn nhiều người nhớ hết những truyện đó.

 

Trong tưởng tượng của người Hà Nhì, rồng có thân hình to như bắp đùi người lớn, dài hàng chục mét, màu xám sẫm, đầu có mào đỏ, có 4 chân hoặc không chân (tùy hình dung của mỗi nhóm địa phương). Rồng thường xuất hiện trên mặt nước, ẩn hiện theo những dòng suối chảy xiết vào mùa lũ lớn. Rồng thường trú ngụ ở những mó nước đùn lên từ lòng đất.

 

Trong quan niệm của người Hà Nhì, rồng là một con vật thiêng. Ảnh: baomoi.com 

 

Ông Lý Anh Hừ, ở Lai Châu, cho biết, người Hà Nhì quan niệm lúc trời mưa to, sấm chớp, xảy ra sạt lở là do loài rồng gây ra: “Người Hà Nhì chỉ biết có con rồng. Có những khu rừng thiêng, có vũng nước sâu mà xanh thì người ta quan niệm là nhà của rồng. Ví dụ những trận mưa gió bão ầm ầm xảy ra, hoặc những trận sạt lở thì người ta cho rằng do rồng tức giận, hoặc là trận chiến của con rồng ở dưới mặt đất và một loại khác ở trên trời. Thỉnh thoảng có năm mưa gió rất là sợ, nhìn quả núi nào cũng thấy sạt lở, người ta cho là 2 con này đánh nhau”.

 

Người Hà Nhì gọi rồng là Be dròng. Tuy rồng không phải thần thánh ban phát phúc lành hay ma quỷ gieo rắc tai ương, nhưng những nơi trú ngụ của rồng thường được xem là linh thiêng. Bà con thường nhắc nhau không nên mạo phạm nơi ở của rồng. Nếu gia đình nào đó buộc phải phát nương gần những nơi rồng ở thì phải cúng xin phép rồng.

 

Ông Lý Phi Trừ, ở Lai Châu, bảo: "Người ta quan niệm cứ nói đến rồng là nói đến nước. Nó cai quản về nước. Rồng là con vật thiêng lắm, không ai dám làm hại. Nếu mình không xử sự đúng với nó thì nó làm hại mình, thế thôi. Làm hại không chỉ cá nhân người đó, mà hại cả bản mình cơ. Cho nên nó tạo cho con người ý thức là không phải mình mạnh, mình giỏi, mình không tin nó mà mình làm lung tung. Có thể nó làm cho xói mòn, đất lở, làm cho những con suối chảy không êm ả. Dân quy định nơi có mạch nước, có cây, động chạm những chỗ đấy là phải xin phép cẩn thận”.

 

Những mó nước đùn lên chính là nơi rồng ở, thường nằm trong rừng sâu, rậm rạp, khe sâu vách núi cheo leo hiểm trở, tương đối tách biệt với con người. Hiếm thấy trường hợp có hộ dân nào phải vào sâu như vậy để phát nương làm rẫy.

 

 

Hoàng Minh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC