Sơn La bảo tồn sách chữ Thái cổ
Thứ tư, 00:00, 06/04/2016

(VOV) - Những cuốn sách viết bằng chữ Thái cổ chứa đựng giá trị nhiều mặt về văn hóa, lịch sử, tôn giáo - tín ngưỡng và văn học của dân tộc. Sơn La đang tích cực triển khai các biện pháp gìn giữ và bảo tồn kho tàng quí báu này.


Tuổi đã cao, nhưng nghệ nhân ưu tú Hà Văn Long, ở thành phố Sơn La, vẫn tâm huyết tham gia sưu tầm, biên soạn, dịch thuật sách chữ Thái cổ.  2 năm qua, ông Hà Văn Long đã dịch hơn 30 cuốn sách chữ Thái cổ do Bảo tàng Sơn La sưu tầm, nội dung chủ yếu là: sổ coi ngày, xem giờ của dân tộc Thái; lời răn dạy người; nguồn gốc, đặc điểm của dân tộc Thái; về cúng ma, tình yêu và một số cuốn sách về văn học.

 

Ông Long rất trăn trở khi số người còn đọc được chữ Thái cổ ở Sơn La còn rất ít:


- Khi chúng tôi chết đi thì sẽ không còn có ai làm được. Hiện nay, chúng tôi chỉ mới dạy chữ Thái cho người lớn, nhưng cũng chỉ mời dừng lại ở biết đọc, biết viết thôi, kiến thức rất phổ thông. Sau này chữ Thái phải được đưa vào dạy trong nhà trường thì mới được.

 

sknc1009.jpg

Sách Thái cổ được lưu giữ tại bảo tàng. Ảnh:baomoi.com


Công tác sưu tầm sách chữ Thái cổ được Bảo tàng tỉnh Sơn La triển khai hơn 10 năm nay. Các cán bộ của Bảo tàng đến bản làng, tìm đến những nhà mo, người cao tuổi để tìm sách và thuyết phục người dân trao lại cho Bảo tàng. Nhưng do nhiều người muốn lưu giữ kỷ vật của tổ tiên, đặc biệt nhiều người nước ngoài cũng lùng mua sách với giá cao nên không phải người nào cũng muốn trao lại sách. Đến nay, Bảo tàng đã sưu tầm được gần 1.200 cuốn đưa về bảo quản, lưu giữ tại kho.

 

Hầu hết sách chữ Thái cổ đều được viết bằng mực Tàu trên loại giấy do người Thái tự sản xuất là giấy dó. Bìa sách có thể được làm bằng giấy dày, da thú hoặc bằng vải. Gáy sách được khâu bằng dây gai hoặc dây dù rất chắc chắn. Những cuốn sách chữ Thái cổ chứa đựng giá trị nhiều mặt như văn hóa, lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng, văn học của dân tộc. Trong đó, có thể kể đến các cuốn viết về lịch sử như cuốn "Quam tô mương Mường Muổi", "Quam tô mương Mường La", “Tay pú sớc”, “Quam chưong han”, “Quam xớc Hán Cơ Lương”... nói về lịch sử hình thành của các châu mường Thái, về lịch sử chống giặc ngoại xâm của người Thái cùng các dân tộc khác trên nước Việt. Nhiều cuốn sách nói về tôn giáo - tín ngưỡng, miêu tả các phong tục tập quán được lưu truyền từ lâu đời. Người Thái cũng có nhiều tác phẩm văn học như 'Sống chụ son sao", "Khun Lú-Nang Ủa", "San Lương-Inh Lai", "Tạo Hôm- Nang Hai"... Nhiều tác phẩm phỏng tác theo các cốt Truyện của người Việt, người Trung Quốc như "Lưu Bình-Dương Lễ", "Tống Trân-Cúc Hoa", "Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài"...

 

Ông Phạm Duy Khương, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La, cho biết:


- Chúng tôi đi sưu tầm ở hầu khắp các địa phương ở Sơn La có dân tộc Thái sinh sống. Nhưng chắc chắn là số sách này cũng chưa hết và vẫn đang còn, chúng tôi vẫn tiếp tục phối hợp với các nhà nghiên cứu để đi khảo sát điền dã và tiếp tục sưu mang về Bảo tàng bảo quản.

 

Để bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của sách chữ Thái cổ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đang triển khai Đề án "Bảo quản, dịch thuật, khai thác, phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La". Sở cũng rà soát, kiểm kê, phân loại, đánh giá chất lượng sách; nắm chắc, đúng về số lượng bản gốc, dị bản; phân loại nội dung thông tin trong sách theo thể loại; tổ chức lược dịch các cuốn sách hiện đang lưu giữ tại kho của Thư viện và Bảo tàng tỉnh. Trong đó, nhiều cuốn sách đã được lược thuật nội dung và đưa ra trưng bày phục vụ công chúng tại Bảo tàng tỉnh.

 

Ông Nguyễn Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thông tin, thể thao và du lịch tỉnh Sơn La, cho biết:


- Tỉnh đang tổ chức sưu tầm, biên dịch và scan số hóa để lưu giữ lại. Sở cũng đang kiến nghị với tỉnh có chính sách để đào tạo giáo viên dạy chữ Thái để lưu giữ, phát huy chữ Thái cho đời sau; tham mưu biên soạn từ điển Thái-Việt để lưu giữ, bảo tồn ngôn ngữ Thái.

 

Bằng việc gìn giữ sách chữ Thái cổ- một di sản văn hóa quốc gia, người Thái ở Sơn La đang góp sức mình bảo tồn sự đa dạng văn hóa Việt Nam.

 


Hồng Việt/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC