Tại sao người Mông Trắng giỏi làm ruộng bậc thang?
Thứ ba, 00:00, 08/11/2016 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài

(VOV4) – Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, người Mông Trắng ở Lào Cai là một trong những ngành Mông di cư sang Việt Nam sớm nhất. Và họ đã biết đến hình thức canh tác lúa nước từ xa xưa, nay hiển hiện trong cách người Mông làm ruộng bậc thang.


Di cư vào Việt Nam bằng đường sông

 


Việc chuyển cư sang Việt Nam của nhóm Mông Trắng bắt đầu từ cuối thế kỷ 18, từ Trung Quốc vào định cư tại các tỉnh Hà Giang, rải rác ở Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và cả miền Tây Nghệ An. Tại Lào Cai, người Mông Trắng cư trú chủ yếu ở các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Văn Bàn, Sa Pa. 

 

Theo TS Trần Hữu Sơn, Nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai, người Mông Trắng di cư sang Việt Nam theo con đường sông nước. Dấu tích di cư theo đường thuỷ còn thể hiện trên chiếc yếm giống như tạp dề trước và sau váy, với 3 hàng thêu dọc nằm song song. 

 

Theo truyền thuyết, đây chính là 3 con sông mà người Mông đã đi qua để đến Việt Nam. Và việc di cư này cũng được họ kể lại trong những bài khèn có tên là “Khua kế” khi tiễn hồn người chết về thế giới bên kia.


“Các bài tiễn đưa hồn Khua kế của người Mông Trắng đều đưa hồn đi qua một bến sông. Thường, ngành Mông Trắng hoặc các ngành Mông ở phía Đông của Lào Cai khi tiễn hồn lên thế giới bên kia thì đều đi qua sông cả. Nhưng ở phía Tây của Lào Cai và Lai Châu, khi tiễn hồn qua thế giới bên kia, đều tiễn qua cái nhà sàn, như kiểu thế giới bên kia ở trên cao, bước qua cầu thang lên. Tôi nghĩ yếu tố đấy ảnh hưởng của Thái. Còn yếu tố qua sông thì được nhắc đến trong lịch sử di cư của người Mông” – ông Sơn nói.


Người Mông giỏi làm ruộng bậc thang, canh tác trên đất dốc, núi đá. Ảnh: KT

 

Người Mông từng sống ở đồng bằng?

 


Anh Giàng A Hải, Trung tâm Văn hóa tỉnh Lào Cai, khẳng định địa bàn sinh sống của người Mông Trắng thường ở núi cao. Tuy nhiên, xa xưa, ngành Mông Trắng cùng với các ngành Mông khác lại sống ở vùng đồng bằng và là một trong những chủ nhân đầu tiên của nền nông nghiệp lúa nước. 

 

Do chiến tranh loạn lạc và sự truy đuổi của kẻ thù, họ phải chạy lên các vùng núi cao rồi trụ lại ở Hồ Bắc, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Vân Nam (Trung Quốc). Và khi sang đến Việt Nam, do những vùng đồng bằng, thung lũng đã có những tộc người khác sinh sống, cho nên người Mông Trắng định cư ở những vùng đất như ngày nay.

 

“Chứng tích nhận dạng ra người Mông ngày xưa trồng lúa nước chính là chữ Miéo, chỉ dân tộc Mông. Từ Miéo là một bộ chữ điền. Chữ điền đó là thửa ruộng, còn ở trên là mộc. Điều đó các nhà sử học nói rằng chứng minh cho bộ tộc trồng lúa nước đầu tiên. Theo như lịch sử ghi lại, người Mông ngày xưa sống ở vùng đồng bằng sông Hoàng Hà” - theo anh Hải.

 

Ngày nay, sống nơi núi cao khắc nghiệt, người Mông đã sáng tạo ra những loại hình canh tác độc đáo. 


“Người Mông canh tác trên nương rẫy và người ta trồng ngô là chính, gần đây mới chuyển sang trồng lúa. Người Mông Trắng cũng như các nhóm Mông khác lao động cần cù và rất sáng tạo, tùy theo mỗi kiểu địa hình người ta đều có cách canh tác khác nhau. Ví dụ như ở vùng Hà Giang, núi đá nhiều, người ta thổ canh hốc đá. Những người Mông ở Bắc Hà lại canh tác trên núi đất dốc, người Mông ở vùng Sa Pa lại sáng tạo ra loại hình canh tác trên sườn núi dốc nhưng theo hình ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang ở Sa Pa cũng rất kỳ vĩ, ở Mù Cang Chải cũng vậy, hoặc của Hoàng Su Phì, Bát Xát cũng thế, là những ruộng bậc thang rất đẹp” - anh Hải nhận xét.

 

Thừa hưởng kỹ năng từ truyền thống làm ruộng, trồng lúa nước, họ đã biến núi đá thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt sắc; đồng thời tích lũy được những kỹ thuật canh tác trên đá và trở thành tri thức bản địa độc đáo.

 

Lâm Thanh/VOV4


Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC