Mỗi cách chết một hình thức tang ma
Với người Ca Dong, cái chết sung sướng nhất là cái chết khi về già, có sum vầy con cháu. Khi ấy, hồn người chết sẽ được lên trời và được ở rừng ma. Họ sợ nhất là chết vì tai nạn, chết bất đắc kỳ tử, những cái chết ở xa nhà. Bởi theo luật tục, người Ca Dong chết ở đâu sẽ phải làm lễ chôn ở đấy, không được khiêng xác về làng.
Làng có người chết xấu như chết trôi, chết rớt cây, tự tử… làng đều có cắm lá xanh cảnh báo nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mục đích để tránh mang điềm không may đi nơi khác.
Ông Nguyễn Thanh Phương, người Ca Dong thôn 2, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam bảo, thậm chí ngay như người trực tiếp đi lo hậu sự cho những người chết không bình thường, sau khi đi chôn cất đều phải được làm lễ tẩy rửa để xua đi những điều không may mắn mới được về nhà, về làng của mình.
Phụ nữ Ca dong. Ảnh: baodaklak.vn
"Ví dụ, bản thân mình trực tiếp chôn cất người bị tai nạn giao thông, dù anh đó là ai không biết nhưng về nhà, nếu anh có cơ quan thì ở cơ quan. Trước khi anh về phải chuẩn bị cho anh một con chó. Cho thầy biết cúng xua đuổi tất cả những gì mình đã tham gia. Xong anh mới được về nhà. Anh phải làm 6 cái vòng bằng lồ ô, bằng lứa với mấy cái lá, họ đút vô từng cửa thứ nhất đến cửa thứ 6. Làm 6 vòng như thế". - Ông Phương nói.
Nhà bình thường, không có điều kiện phải cúng một con chó. Nhưng những nhà khá giả sẽ phải cũng đầy đủ 6 con chó. Những điều kiêng kỵ ấy cho đến nay con cháu người Ca Dong vẫn nghiên cẩn tuân theo.
Trước đây, nhà có người đau ốm hay đến tuổi xế chiều đều được gia đình chuẩn bị quan tài chu đáo. Quan tài làm bằng thân cây gỗ, điêu khắc đẹp mắt để đến khi nhắm mắt xuôi tay, họ không phải lo lắng hay phiền hà con cháu.
"Trước đây, nhà có người đau ốm, có người già là bà bà con trong gia đình họ bàn trước, đục cho anh một cây gỗ tốt, cây tre hoặc cây dổi làm hòm. Tức đục gỗ, có nắp đậy đàng hoàng, bài bản. Rất đẹp, để miết trong nhà, khi mô ông mất là đem khiêng đưa vô chỗ rừng để chôn. Tôi chuẩn bị trước xong bên nhà chú hay bên nhà bác chưa làm kịp, không có mà đột ngột đau chết mình vẫn chuyển qua. Chuyển qua xong mình làm cho ông cái khác. Mà cái đó là không cữ kiêng". - Ông Phương cho biết.
Hát chia buồn tang chủ
Tang ma với người Ca Dong là một nghi lễ mang tính cộng đồng cao. Với những cái chết bình thường, gia đình và bà con xóm làng sẽ chuẩn bị hậu sự và an táng đầy đủ. Được làm đám ma theo truyền thống của người Ca Dong. Được bà con làng trong, làng ngoài đến động viên, hỏi thăm, chia sẻ.
Ông Phương cho hay, khi ấy, người thân, bạn bè đến khóc thương. "Họ khóc, để nhắc lại, ôn lại những gì trong quá trình từ thời ấu thơ, thời còn trẻ, tới khi trưởng thành, lập gia đình, có con. Người thân, quen nhớ lại, kể lại dù người mất đang nằm ở đó nhưng họ khóc kiểu họ chia sẻ, nói lại, ôn lại những gì trong quá khứ, tới khi họ ra đi rồi. Trong cuộc sống giữa đôi bạn có vấn đề gì đó thì cũng bỏ qua, không có vấn đề gì nữa".
Sau khi tắt thở, người nhà phải thay quần áo cho người chết, làm thủ tục liệm cho người chết nhập quan. Trong gian nhà chính, người chết được đặt chân hướng theo phía cửa ra vào. Đồ đạc chôn theo người chết đặt lên trên đầu còn thức ăn cúng ma đặt để phía dưới chân. Người Ca Dong cũng có tục chia của cho người chết, những mong sang thế giới bên kia người chết cũng có cuộc sống đủ đầy.
Trong những ngày làm lễ tại nhà, các gia đình trong làng đều có mặt đông đủ. Mỗi người đều mang theo khi con gà, khi gùi gạo, khi nắm rau rừng… Dù ít, dù nhiều vẫn đều được gia chủ đón nhận. Bởi đây là sự sẻ chia giúp gia đình lo hậu sự cho người quá cố. Và đáp lại tấm thịnh tình ấy, gia chủ cũng làm cơm để những người đến chia buồn cùng bày tỏ tình cảm với người đã mất.
Đặc biệt, trong đám tang của người Ca Dong, ngoài tiếng khóc bịn rịn chia ly, lời ai oán tiếc nuối với người nằm xuống thì những người đến tiễn biệt còn cất lên tiếng hát của mình để động viên những người còn lại và tạm biệt người ra đi.
“Rừng ma” của người Ca Dong
Làng người Ca Dong có riêng một nơi để chôn người chết. Đó là rừng ma, là vùng đất thiêng không ai được phép xâm phạm. Quan niệm chết với họ là người sống chấm dứt hoàn toàn mọi quan hệ với người chết. Nếu không cắt đứt quan hệ đó, thì hồn người chết sẽ đi theo về làng phá phách không cho bà con làm ăn sinh sống. Do vậy, khi đem người chết đi chôn, người Ca Dong không có tục giữ mả, không có tục cải táng.
Trai tráng trong làng đi chôn người chết xong phải mở một đường rừng khác trở về, không được đi theo đường cũ. Suốt ba ngày, người dân bản không đi nương, không đi rẫy chỉ có ở nhà cùng gia chủ mổ heo, mổ gà ăn uống xua đi không khí u ám của sự chết chóc, giúp người ở lại nguôi ngoai nỗi buồn.
Điều đặc biệt, những người trực tiếp khiêng xác ra huyệt phải ở lại nhà người chết 10 ngày. Sau 10 ngày ấy, tang chủ sẽ mổ gà cảm cúng báo thần linh mọi việc hoàn thành, người người đi chôn mới được trở về nhà. Gia đình có kinh tế sẽ mổ trâu.
Sau 10 ngày ấy nếu không mổ gà, mổ trâu làm lễ, sau này ma người chết sẽ về đòi. Không cúng, gia đình sẽ ốm đau, bệnh hoạn. Đó là quan niệm của người Ca dong.
Thu Cúc/VOV4
Viết bình luận