Tên các nhóm K’ho gắn liền với địa hình cư trú
Thứ tư, 13:41, 15/12/2021 HH BTCT HH BTCT
VVO4.VN - Ở Việt Nam, tộc người K’ho có khoảng 140.000 người, cư trú chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng với hơn 100.000 người. Những ghi chép trong thư tịch cho thấy, người K’ho và những dân tộc anh em bản địa ở Lâm Đồng như Chu ru, Mạ thường hay tự gọi là Con Chao.

Độc đáo tên gọi các nhóm địa phương

"Ví dụ, tôi là người được liệt kê là người Mạ theo tư liệu bây giờ, nhưng khi chúng tôi giao tiếp với người K’ho được liệt trong những văn bản quy phạm pháp luật ví dụ chứng minh, hộ khẩu thì tôi cũng không xưng là người Mạ và người kia cũng không xưng họ là K’ho. Họ chỉ nói là Con Chao thôi. Chữ Chao đó có nghĩa là người. Con Chao, có nghĩa là con người". Ông Hiển nói.

Lâm Đồng phục dựng Lễ Nhô Rơhe (mang lúa về kho) của dân tộc K'Ho. Ảnh: bvhttdl.gov.vn

Là cư dân có tiếng nói thuộc ngữ hệ Nam Á, ở Lâm Đồng, người K’ho được biết đến với nhiều nhóm địa phương như: K’ho S’rê, K’ho Lạch, K’ho Nộp, K’ho T’ring, K’ho Chil, K’ho K’dòn. Những tộc danh này đều gắn liền với hình thái cư trú, địa hình, sinh cảnh. Từ đó, mà phân biệt theo nhóm địa phương.
Ví như nhóm K’ho S’rê, trong cộng đồng cư dân bản địa ở Lâm Đồng, S’rê có nghĩa là sình lầy. Sau này bà con canh tác được lúa nước trên khu vực sình lầy ấy phát triển thành ruộng. Nhưng bản nguyên vẫn gọi là cư dân sống ở vùng đầm lầy, chỉ có lau sậy. Hay như nhóm K’ho Lạch. Từ Lạch có nghĩa là một vùng đồi trơ trụi. K’ho Lạch hay Chao Lạch là người sống ở vùng đồi trọc.
"Trước khi có những giao diện văn hóa rộng, đường giao thông được thiết lập ở trên địa bàn của Lâm Đồng, Nam Tây Nguyên. Dĩ nhiên, việc đi lại giữa các vùng cư trú là có, nhưng nó khó khăn và quỹ thời gian trong chu kỳ hoạt động sống của họ trong vòng 1 năm nó cũng không có nhiều đến mức để cho họ thường xuyên như bây giờ. Cho nên, ngày xưa chữ Con Chao S’rê được hiểu là cư dân của vùng tam giác gồm 3 xã hiện nay ở Di Linh. Gồm có Bảo Thuận, Đinh Trang Hòa, Gung Ré. Hoặc là nhóm dân tộc trong tư liệu thư tịch ghi là K’ho Lạch thì chữ Lạch trong ngôn ngữ cư dân bản địa ở đây có nghĩa là một vùng đồi trơ trụi, chỉ có cây bụi và cỏ, không có cây lớn người ta gọi là Lạch. Khi cái nhóm cư dân bản địa đó gắn với vùng cư trú đó người ta gọi là Chao Lạch. Tức là người sống ở vùng đồi trọc".
Ngoài địa danh cư trú, theo ông Ngọc Lý Hiển thứ được coi là tín hiệu văn hóa đại diện cho đặc trưng mỗi nhóm chính là yal yau. Đây là một lối kể chuyện xưa của người K’ho với 3 hình thức: hát kiểu văn vần, hoặc là kể, hoặc giảng giải bởi vốn từ cổ mà nó sở hữu vô cùng phong phú và nhiều địa danh được điển tích hóa. Mỗi buôn làng có một yal yau kể về lịch sử, nguồn gốc tộc người. Và mỗi nhóm K’ho lại sở hữu một yal yau riêng biệt, để từ đó họ nhận ra nhau.
"Một cái “yal yau” tương đương với lịch sử văn hóa tộc người. Đấy là một dấu hiệu đặc biệt khi nhận diện một cộng đồng nào đó. Mỗi cộng đồng truyền thống được hiểu là nhóm nó có một cái “yal yau”, nó có một cái huyền hoại về mặt nguồn gốc riêng. Tôi không thể nhận tôi là người Lạch khi tôi không biết “ting-tang”. Tôi không thể nhận tôi là người Chil khi tôi không biết “Kông-tang-ko-rang”. Đó là tên những tác phẩm. Tôi không thể nhận mình là Chao S’rê mặc dù tôi có thể sản xuất lúa nước, hoặc có những điểm tương đồng với người Chao S’rê khi tôi không biết “B’lom-kòn-zồi”.
Hìu rọt của người K’ho mang giá trị loại biệt 
Trong truyền thống, kiến trúc cư trú của người K’ho mang giá trị loại biệt so với các cư dân vùng khác mà người địa phương gọi là hìu rọt hoặc hìu ruốt, tức nhà một dãy mà trong các thư tịch ghi chép thường gọi đây là nhà dài.
"Đó là một không gian cư trú của một cặp vợ chồng và con cái ở trong ngôi nhà đấy. Tức là 3 thế hệ. Nhưng mỗi thế hệ như vậy lại có 10 thành viên. 10 thành viên đó lại sinh con đẻ cháu ra nó lên tới 30 thành viên thì đương nhiên độ dài vật lý của cái kiến trúc cư trú đó nó không giống với nhà trước tôi nói. Nó không phải là dài hay ngắn, vấn đề là nó chỉ cái hình thái tổ chức xã hội trong không gian đó, trong cái gia đình đó". - Ông Hiển phân tích.
Ở Tây Nguyên, nhà một dãy là hình thái cư trú của nhiều tộc người. Vậy đâu là sự khác biệt đối với người K’ho? Ông Ngọc Lý Hiển cho biết: "Về mặt hình thái của những cư dân Mạ, K’ho ở Nam Tây Nguyên này cái mặt sàn thường thấp hơn cái mặt sàn của cư dân bản địa Bắc Tây Nguyên. Thứ hai, cái bộ mái của cư dân bản địa Nam Tây Nguyên có lẽ do đặc điểm về mặt địa hình, do đặc điểm hình thái cư trú canh tác họ phải chuyển cư, luân canh trong cái vòng thời gian nhất định cho nên quy mô cũng những kiến trúc đó nó không có to lớn như cư dân Bắc Tây Nguyên. Cái hợp mái của nó trên 70 độ, so với mái của Bắc Tây Nguyên nó nhỏ hơn. Đa phần những kiến trúc cư trú của cư dân Bắc Tây Nguyên như người Ba na, người Ê đê, Raglai, Xe đăng… người ta khai thác theo chiều dọc, cửa vào nhà ở đầu hồi. Còn cư dân bản địa Lâm Đồng khai thác theo chiều ngang. Có nghĩa là cửa vào là ở phần mái. Tuy nhiên,hình thái cư trú của người K'ho truyền thống nay đã không còn".

Thu Cúc/VOV4

 



HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC