Chị Hồ Họa My, Phòng Văn hóa huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Khoảng tháng 11 hàng năm, khi lúa trên rẫy đã được thu hoạch đầy kho, cũng là lúc mọi gia đình người Pa kô tổ chức tết cơm mới. Họ chọn những hạt gạo ngon nhất để nấu cơm và làm bánh dâng cúng thần lúa - vị thần đã phù hộ cho họ có được mùa màng tốt tươi, cuộc sống sung túc".
Người Pa kô coi trọng cây lúa, coi trọng thần lúa. Do vậy, những tín ngưỡng xung quanh cây lúa rất nhiều chuyện ly kỳ và hấp dẫn. Bà con bảo rằng: nếu ai dẫm đạp lên lúa sẽ bị thần lúa trừng phạt với nhiều hình thức. Điều cấm kỵ là không được nói những điều không hay, không được tiểu tiện xung quanh đám rẫy đó, nếu không sẽ bị thần lúa trừng trị. Người đó sẽ bị ngứa khắp người, chỉ khi cúng và xin thần lúa, bệnh tình mới thuyên giảm. Còn nếu như ghen ghét mà dẫm đạp vào lúa nhà khác thì cũng coi chừng, bởi sẽ có những điều không hay xảy đến. Sẽ bị ngứa và nổi mề đay khắp người.
Gà và heo không thể thiếu trong Tết cơm mới của người Pa Kô. Ảnh: KT
Nhà nào cũng chuẩn bị gà, heo để cúng. Và không thể thiếu trong ngày lễ quan trọng bậc nhất này của người Pa kô là tiếng chiêng, tiếng trống. Sau hồi kẻng thông báo của già làng, các gia đình đốt nhang, châm đèn bắt đầu cúng thần lúa, cầu mong thần lúa tiếp tục cho những vụ mùa năng suất hơn.
Hoàn thành nghi thức cúng thần lúa, các gia đình mang một lễ vật mà mình đã dâng cúng ra gian nhà chung của làng để tổ chức cúng tế chung. Lúc này, toàn thể dân làng cùng làm lễ cúng, cầu mong cuộc sống bình yên, ấm no, bệnh tật bị đẩy lùi.
Bài cúng kết thúc, dân làng cùng hò reo nhảy múa, cùng chia nhau những vật phẩm mà họ vừa dâng cúng trong không gian tràn ngập tiếng cồng chiêng, tiếng hát rộn ràng.
Có một điều đặc biệt là những cô gái đi lấy chồng xa, vào dịp này, thường được bố mẹ, anh chị mang quà đến cho. Họ sẽ dành một con gà, một đùm xôi mang đến nhà con gái. Thường là người chị dâu sẽ mang sang. Để đáp lễ, cô con gái sẽ đưa lại cho chị dâu một ít tiền để thể hiện tình cảm.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận