(VOV4) - Người Tày có câu “Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy”, bởi vào ngày mùng 2 tháng Giêng và Rằm tháng Bảy hàng năm đều có lễ "Pây Tái" hoặc "Pây chường Tái”, với ý nghĩa là về quê ngoại. Người Tày đặc biệt coi trọng tập tục thăm bố mẹ vợ.
Tùy theo từng vùng, lễ “pây tái” của người Tày có nhiều tên gọi khác nhau như nèn mấư (tết mới), nai nèn, páy sâư (đi tết, lễ tết)… Chàng rể về thăm mẹ vợ thường từ 28-29 tết. Mùng 2, mùng 3 là đưa con đi thăm. Rằm tháng 7 cũng đi biếu quà tết bố mẹ vợ trước đó mấy ngày.
Ở Cao Bằng, các chàng rể chuẩn bị lễ nhất định không thể thiếu một đôi vịt béo, một chục bánh gai và hoa quả. Ở Bắc Kạn, đồ lễ khác đi một chút, nhưng đều có hàm ý cả.
Nhà thơ Dương Thuấn, người Tày ở Ba Bể - Bắc Kạn, lý giải: “Thể hiện lòng biết ơn cha mẹ, tết tháng Giêng hoặc rằm tháng Bảy, bao giờ người con rể cũng chuẩn bị đôi gà sống thiến, bánh chưng, gạo nếp 5-6 ống, 1 lít rượu ngon hoặc những sản vật quý hiếm mang đến biếu cha mẹ vợ, để thể hiện con gái của cha mẹ đi lấy chồng làm ăn được, được gia đình yêu quý. Ngoài hàm ý biết ơn còn mang nghĩa thông báo. Có nhiều cho nhiều, không thì quà tượng trưng cho tình nghĩa. Cha mẹ vợ còn thì con rể phải đi lễ này, khi cha mẹ mất thì con rể để tang”.
Ngày lễ “pây tái” của người Tày chắc chắn phải có vịt. Ảnh: baomoi.com
Người Tày ở Lạng Sơn năm mới còn có tục lễ tết chú bác nhà ngoại. Đồ lễ dân dã nhưng lại rất tinh tế, thể hiện sự quan tâm đến từng thành viên trong gia đình. Con gà, chai rượu để thắp hương tổ tiên, đôi bánh chưng biếu bố mẹ vợ, bao thuốc dành cho ông chú ông bác, còn bánh kẹo chia đều cho lũ trẻ.
Anh Hoàng Văn Đán, ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Cả năm mới có dịp lễ tết ông bà ngoại nên mình chuẩn bị rất cẩn thận. Thường là có đôi gà trống thiến, có năm thì là cân thịt heo, chai rượu, bánh khảo, cặp bánh chưng, bao thuốc, ít bánh kẹo, cân trà và gói bột ngọt. Lễ đầy không bằng tấm lòng. Những dịp này, con rể về gia đình vợ thăm hỏi, chúc tụng nhau mọi sự may mắn tốt lành, không khí rất vui vẻ”.
Người Tày quan niệm quanh năm người vợ đã toàn tâm toàn ý lo toan, quán xuyến hương khói thờ phụng tổ tiên nhà chồng, chỉ có ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng Bảy mới được trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay chăm sóc cha mẹ và sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà. Bởi vậy, trách nhiệm này chàng rể muốn chung tay gánh vác, vừa thể hiện tình cảm với vợ, vừa bày tỏ sự biết ơn cha mẹ vợ đã vất vả sinh ra và chăm sóc cho cô gái mà mình yêu thương.
Người Tày có câu: “Tết tháng Giêng ăn thịt gà, tết tháng Bảy ăn thịt vịt”. Đồ lễ chọn dịp này nhất thiết không thể thiếu miếng thịt ngon nhất.
“Tết thì ngoài đôi gà thiến còn miếng thịt lợn, mổ con lợn to thế nào thì phải cắt miếng thịt dài bằng cả con lợn đó luôn để biếu bố mẹ vợ. Điều này thể hiện trong bài thơ tôi viết “Làm con rể tháng tư đã thiến gà/Để đến tết nhốt vào lồng đôi gà béo/Làm con rể tháng bảy đã vỗ con lợn to/Để đến tết treo cho dài tấm thịt” – nhà thơ Dương Thuấn nói.
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận