VOV4.VN - Nếu chủ làng chưa tổ chức lễ gieo hạt thì không gia đình nào được tự ý đi gieo. Đồng bào Pa Cô ở huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế, tin rằng, chỉ sau khi làm lễ gieo hạt, thần linh, thổ địa mới đánh thức các hạt giống nảy mầm.
Tháng 4 âm lịch, đồng bào Pa Cô ở Thừa Thiên - Huế sửa soạn dụng cụ và các loại hạt giống để bắt đầu một mùa phát rẫy làm nương.
Trước khi bước vào mùa gieo hạt, chủ làng phải đứng ra tổ chức một lễ cúng để cầu khấn các vị thần linh, thần sông, thần núi phù hộ cho con người gieo trồng thuận lợi, mùa màng tốt tươi.
Mâm cúng trong nhà của người Pa cô. Ảnh: Làng Việt
Ông Hồ Văn Hạnh, một vị già làng, ở huyện A Lưới, nói rằng lễ gieo hạt của người Pa cô chính là lễ đánh thức hạt giống nảy mầm. Trong bài cúng, thầy cúng gọi hồn lúa thức dậy, đã đến mùa chim chóc gọi đàn, âm nhạc của núi rừng đã vang lên rộn rã rồi, hạt giống phải thức dậy, mọc lên để nuôi sống con người.
Lễ gieo hạt, đồng bào gọi là Apier, là lễ chung của cả làng. Sau khi già làng chọn được ngày tốt, các gia đình sẽ tập chung tại nhà làng để làm lễ. Mỗi dòng họ phải mang đến một giỏ đựng thóc giống tượng trưng. Mâm cúng không quá cầu kỳ. Chỉ cần một con lợn, con gà, gạp nếp, ché rượu, vài dóng mía, bánh a quát, cùng một số vật dụng cúng tế của thầy cúng.
Đánh thức hạt giống bằng chiêng. Ảnh: Làng Việt
Sau khi kết thúc bài cúng trong nhà, đồng bào sẽ di chuyển ra chỗ mảnh nương được chọn để làm lễ gieo trồng tượng trưng. Tại đây, những người đàn ông đã dựng sẵn một cây nêu bên cạnh mâm cúng. Đến giờ làm lễ, thầy cúng sẽ lấy những hạt thóc giống cho vào những chiếc chiêng rồi gõ lên rộn ràng, cầu xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho dân làng gieo hạt - hạt nảy mầm, trồng cây - cây xanh tốt.
Theo ông Hồ Văn Hạnh, khi đến dự lễ, đồng bào chỉ cần mang theo hạt thóc giống chứ không cần phải mang các loại hạt giống khác, bởi đồng bào quan niệm thần lúa là đại diện cho tất cả các loại cây trồng. Lúa là lương thực chính nuôi sống con người.
Gieo hạt. Ảnh: Làng Việt
Kết thúc phần cúng, đồng bào cùng nhau bắt tay vào gieo tượng trưng những hạt giống trên vạt đất đã chọn. Những người đàn ông cầm gậy chọc lỗ, phụ nữ theo sau vừa tra hạt giống vừa hát, hát cho những hạt giống nảy mầm xanh tốt.
Xong lễ Apier của cả làng, các gia đình bắt đầu chọn ngày gieo cấy trên nương của mình. Không bắt buộc phải gieo vào ngày nào nhưng cũng không được quá chậm trễ, vì sẽ không theo kịp mùa vụ. Khoảng nửa tháng sau, chủ làng sẽ tìm hiểu xem các gia đình đã trồng trỉa xong chưa, nếu đã xong, làng lại tổ chức một lễ nhỏ kết thúc mùa gieo hạt.
Lễ kết thúc mùa gieo hạt được tổ chức tại bến nước của làng. Những người phụ nữ đại diện cho các gia đình sẽ mang giỏ đựng thóc giống của gia đình mình xuống bến nước. Họ nhúng những chiếc giỏ này xuống nước, nhưng chỉ nhúng một nửa. Họ làm vậy để xin thổ địa giữ độ ẩm cho hạt giống nảy đều.
Hoài thu/VOV4
Viết bình luận