Tỏ lòng hiếu bằng quà tặng vải vóc
Thứ bảy, 00:00, 10/06/2017 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài
VOV4.VN – Đám cưới của người Cao Lan ở Bắc Giang giản dị. Lễ vật không cầu kỳ nhưng gói trọn trong đó tấm lòng hiếu thảo của người con dâu, con rể.


Hỏi vợ bằng mớ mì, bìa đậu

 
Xưa kia, với những lễ giáo ngặt nghèo, hầu như hôn nhân của người Cao Lan đều do bố mẹ quyết định. Có đôi, lấy nhau về mới biết mặt cô dâu, chú rể của mình. 


Anh Dương Văn Quang, ở thôn Khe Nghè, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang, dẫn chứng từ bản thân mình: “Hồi xưa, tầm tuổi tôi đa số là bố mẹ hỏi vợ cho chứ không biết đi tìm. Có một số đi tìm thôi chứ trước đây là bố mẹ hỏi đâu con nhất trí đấy. Cứ biết nhà ai có con gái lớn là hỏi thôi, có khi mình chẳng biết vợ mình là ai”.


 


Lễ vật đoàn nhà trai mang sang nhà gái. Ảnh:  ngaynay.vn


Đi hỏi vợ, người Cao Lan đơn giản, không màu mè nhưng đầy thành ý. Người ta chỉ đem theo một gói kẹo, một mớ mì, một bìa đậu sang nhà gái. 


Bàn rượu ngả ra, chủ nhà và ông mối đại diện nhà trai chuyện trò thân tình về chuyện trăm năm của đôi trẻ. Nhà gái cởi mở, ông mối đặt quả cau, hai lá trầu lên bàn. Đó là một cách ngỏ lời đầy ý nhị của nhà trai dành cho nhà gái. Nếu nhà gái nhất trí, họ không trả cau. Nếu không, trong khoảng 3 ngày, họ sẽ tự mang đến nhà trai trả lại. Hoặc họ sẽ gửi người khác đến trả.

 

Ưng rồi, nhà trai sẽ lấy lá số của con gái đi xem số hai người có hợp nhau không. Lá số đẹp, tức là đôi trẻ có thể tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, có một lễ thức không thể thiếu đó là thách cưới. Đám cưới phải khao làng nên quà thách lên tới 60 cân thịt, 60 cân gạo, hàng chục lít rượu. 



Phải có 12m vải trắng làm quà cưới



Bà Chạc Thị Ngọn, ở thôn Khe Nghè, nói, nhà gái có thách quà to, quà nhỏ gì thì cũng không thể thiếu vài mét vải trắng:


“Thách 12m vải trắng, chỉ cho bố mẹ mặc thôi. Đấy gọi là báo hiếu, mẹ mình đẻ mình ra thì mặc bẩn, rách rưới, thì bây giờ báo hiếu. Bằng giá nào cũng phải có. Mà bên này người ta còn xin một cây chuối. Người ta nói cây chuối ý nghĩa là cây vải”. 


TS Trần Bình, Giảng viên Khoa Văn hóa Dân tộc Thiểu số - Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết, xưa, họ còn thách cả tiền mặt. Thách cưới càng cao, chứng tỏ người con gái ấy càng có giá. Suy cho cùng cũng là bù lại công nuôi nấng của bố mẹ. Tuy nhiên, việc thách này vô cùng nhân văn.


“Ngày xưa người ta rất sợ theo không. Người theo không còn bị nhà chồng, nhà vợ khinh bỉ, cho nên gả bán là chuyện rất đắt. Nhưng người Cao Lan không phải là thách cưới mà gia đình bố mẹ cô dâu lấy tất. Ví dụ tôi có con gái, tôi thách cưới 80 đồng bạc, khi con gái lấy chồng tôi cho nó của hồi môn là 40 đồng, mai này có con nó lại dùng tiền ấy. Chuyện thách cưới là lo cho thế hệ mai sau” - TS Bình nói.


Ngoài ra phải có vài bộ quần áo, trang sức cho cô dâu; quần áo, trang sức cho bố mẹ, anh chị em, họ hàng nhà gái. Thậm chí, bạn thân cô dâu cũng được nhận quà.


“Em gái đi lấy chồng trước chị, lại phải có quà để biếu các chị, coi như xin phép. Chú rể phải lo hết. Đấy cũng là truyền thống tôn trọng bên ngoại. Rồi tặng bạn gái chơi thân với nhau nếu người ta chưa đi lấy chồng. Thực ra người có con gái đi lấy chồng cũng không được cái gì đâu. Nhiều khi còn thiệt. Nếu nhà trai nghèo thì nhà gái phải tự khao cả họ, khao cả bản, cũng tốn kém lắm. Mà ăn hai ba ngày, bây giờ vẫn thế” – TS Bình cho hay.

 

 

 

Thu Cúc/VOV4


Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC