Trai tài là phải giỏi bắt cá!
Thứ năm, 00:00, 25/08/2016

(VOV4) - Người Thái có câu “Pay kin pa, ma kin khảu” nghĩa là: đi ăn cá, về ăn cơm. Đã là người Thái ai cũng biết bắt cá. Phụ nữ thì đi xúc cá, đàn ông thì quăng chài. Họ hiểu tường tận khi nào thì nhiều cá, mùa nào cá ngược, mùa nào cá xuôi.

 

Muốn bắt nhiều cá phải đợi sau cơn mưa đầu mùa

 

 

Nếu muốn đánh bắt được nhiều cá, người Thái vùng Tây Bắc sẽ đợi đến khi có cơn mưa đầu mùa. Khi đó, cá trong hang trong hốc bơi ra ăn côn trùng và phù sa. Cùng với cơn mưa, cá sẽ trôi về suối. 


Cách bắt cá của người Thái rất đa dạng. Phụ nữ, trẻ em thường đi xúc cá bằng cái “ca sa” tự đan bằng lưới. Miệng ca sa được làm bằng cật tre nứa, uốn thành hình tam giác, 3 góc đều nhau, được nối với chiếc lưới hình phễu. Phụ nữ chỉ đi bắt cá ở những chỗ nước nông. Còn cánh đàn ông thì ngược lại.

 

Người Thái còn sử dụng những chiếc lộp đan bằng nứa để đi bẫy cá. Lộp được đặt vào những vũng nước sâu, đặt con cua con ốc vào đấy để bẫy cá, hôm sau người ta đi nhấc lấy.

 

 

Người Thái còn sử dụng những chiếc lộp đan bằng nứa để đi bẫy cá. Ảnh:baomoi.com

 

Là cư dân sinh sống, gắn bó với những con suối, người Thái tường tận mùa nào là mùa cá đẻ trứng, hiểu được đặc tính của từng loại cá. Thường thường là tháng 2 tháng 3, cá đẻ, nó hay xuôi xuống thì đặt ngược đơm để cá chui vào. Còn mùa không đẻ trứng thì cá lên, người ta để đơm xuôi xuống.

 

Người Thái không chỉ là đánh bắt đơn lẻ. Khi có một vùng nước nào sâu, rộng thì người ta quy định là của chung của bản. Cứ tháng 3 tháng 4 là đánh cá tập thể. Trước ngày đó, không ai có quyền đến bắt cá ở khu vực đó cả.  Đến dịp, người ta hô hào cả làng cả bản ai có phương tiện gì thì cùng đi bắt, cùng ăn cùng hưởng với nhau.

 

Ở Mai Châu, Hoà Bình, người con gái Thái muốn biết chàng trai mà mình thương mến có chăm chỉ làm lụng hay không chỉ cần nhìm vào cột nhà của nhà ấy có dán nhiều vảy cá, đuôi cá hay không! Nếu có, chứng tỏ chàng trai là người chăm chỉ, nhanh nhẹn, đánh bắt giỏi. Con cá không chỉ là thước đo sự giỏi giang, tài ba của chàng trai mà nó còn là lễ vật bắt buộc nếu chàng trai muốn cưới  cô gái về làm vợ. 

 

 

Cá là quà biếu tạ ơn nhà ngoại

 

 

Theo ông Lường Song Toàn, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian ở Hoà Bình: “Bắt được cá về, người ta chặt cái đuôi nó dán vào cột nhà, cho nó khô dần. Thể hiện nhà đó hoặc người đàn ông đó chăm chỉ, hoặc nhà người ta có ao to, chứng tỏ nhà khá giả. Trong hôn nhân người Thái, "pơ xổm, pa giảng" (tức cá chua, cá sấy khô) là loại lễ vật bắt buộc nhà trai phải đưa sang nhà gái. Cá không thể thiếu trong  lễ tạ ơn mà nhà trai đem đến nhà gái để tạ ơn bố mẹ vợ đã sinh cho mình người con gái để mình lấy làm vợ".


 

 

Lễ hội bắt cá cầu mưa của người Thái. Ảnh:baomoi.com

 

Cùng với những ống nứa đựng thịt là những gói cá khô thơm ngon. Ông Lường Văn Tun, ở Thuận Châu, Sơn La, nói rằng, đó là món quà không thể thiếu để biếu  họ hàng, chú bác bên ngoại: "Mình sẽ làm 10-12 ống thịt lợn, thịt bò, thịt trâu gì thì tuỳ. Nhưng mà làm chua. Chặt ống ra rồi đan nắp bằng lạt, nhuộm xanh nhuộm đỏ làm cái quai thật đẹp vào. Rồi tương ứng 10-12 hắp pà giảng đi kèm, 10-12 hắp gừng đi kèm rồi biếu họ hàng bên ngoại". “Hắp pà giảng” mà ông Tun nói đến tức là những gói cá đã được hong khô trên gác bếp.

 

Còn cá chua làm đồ sính lễ là loại cá nhỏ, mổ xong ướp muối, thính gạo cho chua, rồi đem nhồi vào ống tre tươi, gọi là "boọng", là món độc đáo trong hôn lễ người Thái vùng Tây Bắc.

 

Cá đối với người Thái không chỉ là món ăn, mà còn được dùng làm lễ vật cúng tế dịp "Xên bản", tức cúng thần bản, lễ  ăn cơm mới. Món cá đồ cũng là lễ vật dùng để cúng vía.

 

Trong lễ cúng cơm mới của người Thái ở Mai Châu, Hoà Bình, người ta kiêng sử dụng thịt gia súc, gia cầm mà chỉ cúng bằng cá. Theo ông Lường Song Toàn: “Trong ngày ăn cơm mới chỉ có cá thôi, không được ăn thịt những con súc vật nuôi vì đấy là những vật nuôi trong nhà, nó cũng có công với mình, nó giúp mình trong cuộc sống.  Đến ngày đó là ngày cả người cả vật đều được ăn cơm mới”.

 

Người Thái ở Mai Châu một năm tổ chức 2 lễ ăn cơm mới. Một lần khi thu hoạch vụ chiêm, gọi là “kin khảu hạch”, một lần sau khi thu hoạch vụ mùa. Việc cúng cá trong hai lễ này cũng khác nhau. Vụ chiêm, người ta chỉ đem cá về đồ lên để cúng ma nhà tổ tiên. Còn vụ mùa vào tháng 11, 12 thì làm to hơn. Cá được ướp chua, trộn bột gạo, gói từng gói rồi đồ, xôi thì phải có 5 màu.

 

Đối với người Thái ở Mai Châu, chẳng may ai đó sảy chân ngã xuống nước hoặc bị đuối nước, người ta thường làm lễ cúng sửa hồn, và trong lễ cúng này chỉ được phép cúng bằng cá.

 

 

Hoài Thu/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC