Trang phục của người Si la
Thứ năm, 00:00, 05/01/2017

(VOV4) - Người Si La, dân tộc có nguồn gốc từ vùng Trung Á, dù không còn biết dệt vải, nhưng vẫn giữ được bộ trang phục truyền thống của mình. Thậm chí, trang phục của phụ nữ Si La còn được phân chia theo độ tuổi, tình trạng hôn nhân, con cái.

 

Váy của phụ nữ Si La là loại váy khâu may khép kín, màu đen, dài từ eo đến mắt cá chân. Mỗi chiếc váy có 2 phần rõ rệt, là cạp và thân váy. Cạp váy là một dải vải khác màu, rộng cỡ 20 cm. Viền gấu váy thêu chỉ đỏ rất nổi bật.

 

Áo của phụ nữ Si La cũng được may từ vải chàm đen, thân áo ngắn, ôm sát cơ thể. Cổ, tay và gấu áo được trang trí bằng những đường viền hoặc những khoanh vải khác màu sặc sỡ.

 

Trang phục truyền thống của người Si-la. Ảnh: baomoi.com

 

Đặc biệt nhất là phần yếm trước ngực, gắn cố định vào áo bằng khuy bạc. Đó là một miếng vải hình thang cân, trang trí những đường viền bằng chỉ đỏ và đính những đồng xu bạc trải đều trên toàn bộ miếng vải. Trước đây, có những chiếc yếm của con gái Si La gắn tới 60 - 80 đồng bạc, giá trị rất lớn.

 

Ngoài đồng bạc, ông Bùi Quốc Khánh, Sở VH-TT&DL Lai Châu, cho biết xa xưa, người Si La còn dùng vỏ ốc để trang trí yếm, rất độc đáo:

 

"Vỏ ốc ấy, trước đây là tiền tệ để lưu thông hàng hóa theo hình thức vật đổi vật, vì vỏ ốc ngày xưa trên này rất hiếm và người ta xem đó là quý. Để kiếm được các vỏ ốc hóa thạch trên vách đá, một là phải may mắn mới kiếm được, hai là phải mất rất nhiều công đi tìm. Chính vì thế nên nó quý. Một cái vỏ ốc có thể đổi được vật mất nhiều công để làm ra nhưng con người có thể làm ra được, ví dụ một đôi gà. Nhưng sau khi hoạt động giao thương mở rộng ra khỏi cộng đồng thì người ta dùng bạc trắng. Vỏ ốc kém giá trị trao đổi đi nhưng vẫn người dân họ vẫn xem là quý nên họ dùng làm trang sức cho bản thân".

 

Nếu như đàn ông Si la hiện nay đã chuyển sang mặc âu phục hoàn toàn như người Kinh, thì phụ nữ Si La hiện vẫn duy trì mặc trang phục truyền thống, nhất là trong các ngày lễ lớn của gia đình và bản làng.

 

Người Si La là một trong số những dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến, có nguồn gốc từ vùng Trung Á. Người Si La có mặt ở Việt Nam cách đây chừng 120 năm. Theo nhiều công trình nghiên cứu, từ trước khi đặt chân đến Việt Nam, người Si La đã không còn duy trì được nghề dệt vải. Họ phải mua vải của người Thái hoặc vải công nghiệp để sử dụng.

 

 

 

Hoàng Minh/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC