Từ sáng sớm, mỗi gia đình trong dòng họ chuẩn bị một mâm cơm gồm các món gà luộc, lạc rang, đỗ tương, trứng rang, dồi lợn, xôi nếp, rượu trắng, các loại rau cải - bí đỏ - khoai lang - khoai sọ - khoai tây luộc, các món xào, nước ngọt…
Nhưng chỉ những nhà không có người chết trong vòng 3 năm mới được làm cỗ cúng. Các mâm cơm được xếp thành hai dãy song song ngoài sân, phía đầu sân là mâm cơm chính của trưởng họ hoặc của thầy mo. Ngay cạnh mâm cơm chính là mâm cơm thờ với đủ món, được trang trí hoa đào, hoa rừng, các ống tre đựng rượu tượng trưng có cắm các vòi hút rượu.
Bắt đầu buổi lễ Tết thiếu nhi, trưởng dòng họ hoặc thầy mo - lúc này làm chủ tế, sẽ cúng trước bàn thờ, rồi đến những người đàn ông, đại diện mỗi gia đình lên tham gia cúng lễ. Khi thầy mo sắp lễ xong, các gia đình mang lễ của nhà vào khoảng sân rộng.
Lễ được gói trọn trong 1 cái mâm, che kín bằng lá chuối. Sau hiệu lệnh của thầy chủ tế, đàn ông của các gia đình đồng loạt mở mâm lễ để thần linh và tổ tiên chứng giám. Thầy mo là người tế đầu tiên, sau đó lần lượt các gia đình lấy một phần các món trong mâm lễ của nhà mình, mỗi thứ một chút dâng lên thần linh, tổ tiên. Món không thể thiếu trong mâm lễ là gà, rượu và một số loại hoa gần gũi, giản dị với bà con như hoa đào, hoa mận, hoa cải vàng…
Trẻ em dân tộc Hà Nhì. Ảnh: dantri.com
Sau đó lũ trẻ trong bản đứng xếp thành hàng và lạy người già, chờ các cụ lấy phúc, lấy tuổi và ban phát lộc. Người già nói lời hay ý đẹp, chúc con cháu mình khỏe mạnh, sống đoàn kết, biết yêu thương đồng bào, yêu làng yêu bản.
Buổi lễ kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối, cả bản cùng nhau uống rượu ăn cỗ, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái, kinh nghiệm sống, lao động, sản xuất, ứng xử, căn dặn lớp trẻ tránh xa thói hư tật xấu để trở thành người có ích…
Còn với Tết Nguyên đán cổ truyền, người Hà Nhì rất vui khi có một em bé không kể trai hay gái dưới 12 tuổi đến xông nhà. Họ coi đó là điềm may và tin rằng trong năm mới, hạnh phúc sẽ tràn đầy, lúa gạo đầy chum và nước từ trời đổ xuống thỏa thuê, báo hiệu mùa màng no đủ.
Nhà thơ Chu Thùy Liên, Phó Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, lý giải: Người ta rất phấn khởi khi mùng 1 có một đứa trẻ con đến nhà mình, nên lúc đó người ta mở cửa rất rộng. Một đứa bé tự dưng vào nhà, người ta sẽ mời rất trang trọng, cho nó một món quà, một vài đồng bạc, hoặc cái bánh. Bánh nếp, bánh dày bánh chưng, hoặc là một chút kẹo. Tức là mình phải tán một chút lộc, vì các con các cháu đã đem lộc đến cho nhà mình rồi. Mà trẻ càng bé thì quan niệm của người Hà Nhì là lộc càng lớn, bởi vì lúc đó tâm hồn họ rất trong. Mặc dù cháu bé không nói được lời chúc nhưng đó là cái phúc đến với nhà mình.
Một ngày tết khác, khá quan trọng với người Hà Nhì là tết Khô già già - Tết cầu mùa vào tháng 6 âm lịch, trẻ con được ngồi mâm riêng. Và cả khi cho trẻ con tham gia trò chơi, người Hà Nhì cũng chuẩn bị rất cẩn thận.
Ông Chu Thó Dờ, ở thôn Lao Chải, Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai, cho biết: Những người đàn ông dựng một chiếc bập bênh và một chiếc đu. Đây là 2 trò chơi bắt buộc tổ chức trong lễ này. Mỗi gia đình trong thôn sẽ chọn một người tham gia vào công việc này. Người đó phải là người trong sạch, nhà không có tang trong 3 năm gần đây mới được làm.
Làm xong, trẻ con chưa được chơi ngay mà còn có một lễ cúng các thần linh để bảo vệ trẻ chơi bập bênh, đánh đu được an toàn. Sau khi cúng xong, trẻ em được nhận lộc, ăn để may mắn và khỏe mạnh.
Trong các ngày tết, lễ vật không thể thiếu đối với người Hà Nhì là bánh dày, trước là để cúng tổ tiên, sau là cho đám trẻ ăn chắc dạ. Một món ăn khác, được trẻ con Hà Nhì đặc biệt yêu thích là món trứng luộc. Ngày tết, gia đình nào cũng luộc trứng từ sáng sớm để gói cho con cháu mang đi chơi, mang lên chợ ăn. Lũ trẻ được mặc trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất và được mua những món đồ mình thích.
Khi chuẩn bị lễ vật, trong khi đàn ông thịt lợn, phụ nữ giã bánh dày thì người già và trẻ con được ưu tiên… ngồi chơi. Nhưng khi hạ lễ vật, thì người già trẻ nhỏ lại được hưởng lộc đầu tiên, bởi theo quan niệm của người Hà Nhì, ai được ăn lộc này sẽ được tổ tiên, thần linh phù hộ có thêm sức mạnh và may mắn. Và sức mạnh lớn nhất họ muốn dâng lên người già, cũng như may mắn đầu tiên họ muốn trao cho trẻ nhỏ.
Người Hà Nhì, tự gọi là Hà Nhi gia, tên gọi khác là U Ní, Xá U Ní. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến (ngữ hệ Hán-Tạng). Cư dân Hà Nhì đã từng sinh sống lâu đời ở nam Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng phần lớn tổ tiên người Hà Nhì ở Việt Nam hiện nay là lớp cư dân di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm trở lại đây. Họ quần cư chủ yếu trên dọc biên giới Việt-Trung, Việt-Lào thuộc các huyện Bát Xát (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu).
Thu Hòa/VOV4.VN
Viết bình luận