Mỗi nhánh địa phương có hình thái hôn nhân khác nhau
Theo truyền thống xa xưa, người Cờ lao thực hiện hôn nhân theo nguyên tắc ngoại hôn dòng tộc. Nhưng người Cờ lao chấp nhận hôn nhân lấy đổi giữa hai gia đình với nhau. Tức con trai nhà này lấy con gái nhà kia và ngược lại, con trai nhà kia lấy con gái nhà này.
Ở huyện Đồng Văn, Hà Giang, người Cờ lao không chấp nhận hai anh em trai nhà này lấy hai chị em gái nhà kia, nhưng nguyên tắc hôn nhân này lại được đồng thuận ở người Cờ lao đỏ sinh sống ở huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Hôn nhân con cô, con cậu được thừa nhận.
Nụ cười phụ nữ Cờ lao. Ảnh: Internet
Trước đây, người Cờ lao cho phép hôn nhân giữa người chồng với chị hoặc em gái vợ nếu như vợ chết. Vì điều này liên quan đến thừa kế tài sản. Thế nhưng, trên thực tế các trường hợp như vậy rất ít xảy ra.
"Vấn đề này nó cũng liên quan đến thực hiện Luật hôn nhân gia đình hiện nay đối với người Cờ lao. Xã hội đặt ra rất nhiều những vấn đề liên quan đến gia đình ổn định, bền vững và vấn đề ly dị, nhưng với người Cờ lao thì câu chuyện ấy nó không xảy ra". - PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc bảo tàng dân tộc học Việt Nam nhận định.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, do sinh sống lâu đời gần gũi với người Mông nên có sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ. Người Mông có tục kéo vợ và người Cờ lao cũng vậy.
"Tục này thường là xảy ra ở vùng Đồng Văn. Tức là, khi trai gái yêu nhau thì họ thực hiện một cái nghi lễ, thỏa thuận thôi là để đưa cô gái vào trong rừng rồi thì đưa về nhà mình. Thế nhưng, cô gái thì có thể có những biểu hiện như là không đồng ý hoặc là như thế nào đấy. Tất cả những cái đấy thì nó là một phong tục để mà diễn ra như một nghi lễ thôi. Đối với người Cờ lao thì việc kéo vợ thì nó cũng giống như người Mông thôi. Nó thực hiện ở trong những gia đình mà nghèo, không có đủ các điều kiện để thực hiện các nghi lễ theo phong tục nó rất phức tạp".
Đàm hôn, dạm ngõ
Trai gái Cờ lao xưa được tự do yêu đương tìm hiểu. Thông qua các sinh hoạt thường ngày như lao động, sản xuất, đi chợ, làm nương, hay vui chơi, lễ hội… nam thanh, nữ tú đều có thể gặp gỡ, làm quen, lựa chọn bạn đời.
Ông Lưu Sừn Vạn, người Cờ lao đỏ ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang nhớ lại: "Có những trường hợp qua những bài hát dân ca, hát đối, giao duyên, tặng khăn gửi tình từ đó dẫn đến thân quen, rồi đến tình yêu. Hợp duyên, hợp số thì tiến tới hứa hẹn lấy nhau, trở thành vợ, thành chồng. Được bước này mới bảo là đàm hôn quen nhau".
Đây là bước hai bên tự nguyện, thuận tình và không cần mối mai mà nên đôi. Ông Vạn còn nói, có những trường hợp, con gái tự nguyện theo không con trai về nhà.
Kèn đực và kèn cái là loại nhạc cụ thường được thổi trong các đám cưới của người Cờ Lao. Ảnh: bienphong.com.vn
"Có trường hợp con gái tự nguyện theo trai về nhà trai, chưa được thông qua cha mẹ, họ hàng. Chung sống với nhau mới tổ chức đám cưới. Trường hợp mai mối thì trai lớn, gái lớn cả vẫn tìm chồng, tìm vợ thì phải tìm đến ông mối làm cầu nối cho hai đứa. Thăm bố mẹ rồi thì ông mối sang nhà gái dạm ngõ".
Với những trường hợp theo không như thế, các nghi thức cưới sẽ được lược bỏ rất nhiều. Chẳng còn dạm ngõ, ăn hỏi, thách cưới… chỉ làm cỗ đón dâu. Còn không, nhà trai phải thực hiện đầy đủ thủ tục với nhà gái. Trước tiên, nhà trai sẽ cử ông mối sang ướm hỏi, dạm ngõ, bày tỏ thịnh tình.
"Dân tộc Cờ lao chỉ mang thuốc lá hoặc thuốc lào hút thôi. Với lại hai chai rượu. Lễ dạm ngõ này đơn giản thôi mà. Bước dạm ngõ mà ông mối quay về, nếu nhà gái không trả lại đồ đựng rượu, là chai hay bình tông đựng rượu không trả lại thì coi như đồng ý. Nếu mà trả lại là không đồng ý".
Chính bởi bước đầu tiên vô cùng quan trọng, nên ông mối được lựa chọn làm đại diện nhà trai cũng phải có đầy đủ tiêu chuẩn về tài năng, phẩm hạnh, gia đình hạnh phúc, con cái đề huề.
Sêu Tết kết thân
Khi được sự đồng ý của nhà gái, các bước tiếp theo để tiến tới đám cưới mới được hai bên bàn bạc, thông qua. Theo đó, nhà trai sẽ chọn ngày lành, tháng tốt để sang làm lễ ăn hỏi. Và lần này, hai gia đình sẽ thỏa thuận những món đồ thách cưới. Nhìn chung, lễ vật thách cưới của người Cờ lao cũng khá đơn giản.
"Về cái chung gồm 30 cân gạo, 30 cân thịt lợn, 30 lít rượu, tiền lễ 1,2 triệu đồng. Rồi chăn, màn, quần áo, các thứ trang sức cho cô dâu.
10m vải là để bố mẹ cô gái may quần áo, còn tiền là báo hiếu mẹ công sinh thành, nuôi nấng. Trước ngày cưới phải mang sang cho nhà gái". - Ông Vạn nói.
Sau lễ ăn hỏi này, đôi trai gái cũng sẽ không được tổ chức đám cưới ngay. Phải có thời gian để gia đình hai bên chuẩn bị. Và nếu nhà trai chưa thực hiện được việc tổ chức đám cưới, trong thời gian ấy anh ta vẫn phải thực hiện nghi thức sêu tết. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết, việc sêu Tết diễn ra thường niên.
"Sêu tết nó kéo dài. Hằng năm, nhà trai phải mang lễ vật đến nhà gái. Tức là, người ta chưa cưới ngay được thì phải mang đến nhà gái những cái lễ vật như trứng này, như gà này, như gạo này… mang đến để thắp hương trên bàn thờ. Đấy là một phong tục để bày tỏ một cái liên minh giữa các gia đình, liên minh giữa các dòng họ khi cưới nhau. Nó diễn ra trong khoảng 2 – 3 năm. Nhưng mà khi tổ chức cái cách cưới kéo vợ đấy thì nó sẽ ngắn hơn. Người ta sẽ không phải sêu Tết. Có phải đến hỏi nhưng không phải kéo dài. Người ta chỉ làm một cái lễ và sau đó hai bên cưới nhau".
Hóa ra, sêu tết là kết thân, là gắn tình đoàn kết giữa hai dòng họ. Dâu, rể không chỉ biết có gia đình nội, ngoại mà còn phải biết dòng tộc, họ hàng, phải biết trước, biết sau và cùng nhau xây dựng mối quan hệ dòng họ thêm gắn kết. Đó là một điều vô cùng thiêng liêng và đáng quý.
Ngày cưới, nhà trai phải mang những đồ sính lễ sang trước 1 – 2 hôm. Đoàn đi hôm ấy thường sẽ có 5 – 7 người và đặc biệt phải có mối. Đi lẻ, về chẵn – đó là quan niệm của người Cờ lao để thể hiện có đôi, có lứa, sự sinh sôi, phát triển.
Hôm đi đón dâu, nhà trai chỉ phải mang thêm 1 cân đường, 1 cân muối, 1 cân chè. Ông Lưu Sừn Vạn, người Cờ lao ở xã Phố Là, Đồng Văn, Hà Giang cho hay, đây cũng là hy vọng đôi trẻ hạnh phúc, sống yêu thương nhau.
"Một cân muối, thể hiện mặn mà. Rồi mang 1 cân đường, thể hiện ngọt ngào, tình cảm vợ chồng. 1 cân chè. Chè với đường nó có cái tục sau khi cơm nước xong ở bên nhà gái có tục "bán" chè đường. Tức là lấy đường này với chè, chè đun xong thì cho đường vào, người phục vụ đưa cho cô dâu kia bưng cái khay chén đựng chè cho bố mẹ, cho họ hàng, chú bác. Ai uống chè đấy thì bỏ vào đấy 10.000 – 20.000 đồng, cho cô dâu về làm vốn".
Nhân văn đám cưới của người Cờ lao
Đến nhà gái, nhà trai cũng phải thực hiện nhiều nghi lễ. Những nghi lễ ấy không nằm ngoài mục đích cầu may cho cô dâu, chú rể để đôi trẻ có cuộc sống viên mãn về sau.
Đoàn tới cửa, nhà gái bê khay rượu ra mời đoàn nhà trai. Ông mối uống hai chén làm lễ, tay trái ông hất qua tay phải và tay phải hất qua vai trái. Hành động này là để xua đuổi tà ma, quỷ dữ, không đi theo vào nhà cô dâu.
Hành lễ xong, ông mối và quản sự đám cưới hai bên mời rượu, mời nước, rồi cho dâu, rể cúng báo tổ tiên, giao lễ. Sau khi nhận lễ , đoàn nhà trai sẽ làm lễ xin dâu. Khi ra đến cửa, chú rể hoặc phù dâu sẽ phải cõng cô dâu đi qua cửa chính ngôi nhà.
"Cõng qua cửa thôi, ý là không mang những cái gì tốt của nhà bố mẹ đẻ đi nhà trai. Cái đất của nó có thể xin vàng, xin của. Nếu cô dâu bước qua, sẽ mang theo cái đất của nhà bố mẹ đẻ đi sang nhà trai mất". Ông Vạn dí dỏm.
Đoàn đưa dâu về đến nhà trai cách cổng khoảng 5m sẽ phải làm một lễ gọi là hồi mã, để xua đuổi ma tà, ôn thần, ác quỷ không làm hại đến cô dâu. Còn PGS.TS Nguyễn Văn Huy bảo, khi bước qua cổng, cô dâu phải giẫm vỡ chiếc bát hoặc chiếc muôi để sẵn ở đó, rồi mới được bước vào nhà.
"Có lẽ thực hiện nghi thức đó để thấy cái mạnh mẽ của cô gái này đối với ma quỷ trong nhà. Tức là khi cô vào, không bị ma quỷ trong nhà làm hại cô. Họ để cái bát nó kênh hay như thế nào đấy để cho cô gái dễ dàng giẫm vỡ. Bình thường, giẫm vỡ một cái bát không phải là dễ dàng".
Vào đến nhà, sau khi cúng báo gia tiên, một người phụ nữ khéo ăn, khéo nói, gia đình có nếp, có tẻ sẽ được lựa chọn để dẫn cô dâu vào buồng. Hy vọng người phụ nữ ấy sẽ mang lại điều may cho cô dâu.
Có một phong tục cũng rất đặc biệt của người Cờ lao đỏ trong hôn nhân ở Hoàng Su Phì, đó là đón dâu về nhà trai cô dâu chỉ ngủ lại một đêm, để hôm sau cô dâu trở về nhà bố mẹ của mình. Cô sống ở đấy suốt cả năm và không trở lại về nhà chồng nữa. Thỉnh thoảng người chồng mới sang nhà vợ một vài ngày. Rồi đến hết thời gian 1 năm, nhà trai mới đón. Lúc đó mới thực sự là đón con dâu về nhà.
"Lúc đó để không phải cưới hỏi không phải làm nghi lễ gì cả, chỉ có đưa về nhà của mình thôi, từ đó hai vợ chồng mới thực sự là sống với nhau chính thức là vợ chồng ở nhà ở bên nhà trai. Có lẽ, đây là một hiện tượng thể hiện một tàn dư rất lâu, rất xa xưa trong xã hội nguyên thủy. Đấy là cái ngày xưa, người ta cưới xin sẽ cư trú ở bên nhà vợ".
Người Cờ lao cũng có tục ở rể, nhưng theo PSG.TS Nguyễn Văn Huy, mỗi nhánh địa phương lại có tục lệ khác nhau. Nếu gia đình nào không có con trai người ta vẫn có thể lấy con rể về và thờ cúng tổ tiên. Và con rể được thừa kế tài sản.
"Điều đặc biệt là người Cờ lao xanh lúc đó, con rể vẫn giữ dòng họ của mình, không phải đổi theo họ vợ. Người con rể đấy vẫn cúng tổ tiên của dòng họ mình là chính, đồng thời, có cúng thêm, có làm một bàn thờ nho nhỏ để cúng gia tiên ở bên vợ. Nhưng họ chỉ cúng một đời thôi. Sau đó sẽ thôi. Đối với người Cờ lao đỏ, con rể không những không phải đổi họ, cũng không phải cúng tổ tiên của họ vợ nữa. Nhưng con của anh ta lại phải thờ cúng tổ tiên họ mẹ. Nhưng cũng chỉ 1 đời thôi. Hết một đời con lại thờ cúng tổ tiên của họ mình". - PGS.TS Nguyễn Văn Huy phân tích.
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận