Tục giao dâu trong đám cưới người Dao
Thứ ba, 00:00, 28/03/2017 Thu Hòa biên tập bài Thu Hòa biên tập bài

VOV4.VN - Người Dao đại bản ở Hà Giang còn giữ được nhiều nét độc đáo trong nghi thức đám cưới. Qua đám cưới, người Dao muốn rèn dạy cho đôi vợ chồng son những điều lễ nghĩa, được thể hiện bằng nhiều bài hát, bài nói cổ.

 

Theo phong tục người Dao đại bản, đáng chú ý và cũng là điểm khác biệt, là chú rể sẽ không đến nhà gái để đón dâu, mà cô dâu cùng đoàn nhà gái, trong đó ông Mờ (tức ông mối) làm trưởng đoàn, sẽ tự đến nhà trai.

 

Ông Triệu Văn Hòa, ở huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, cho biết: Riêng người Dao đại bản, không có việc nhà trai đi đón dâu, nhà gái có trách nhiệm đưa con gái đến giao cho nhà trai, khác các ngành Dao áo dài, Dao tiêu bản là nhà trai phải đi đón dâu về.

 

Cô dâu vào nhà chính phải vào lúc từ 2-11 giờ. Đó là khoảng giờ tốt nhất. Nhà trai sẽ nổi kèn, đánh trống, chiêng, chũm chọe ra đón; mang nước chè, thuốc lá, rượu, chuẩn bị trên dưới 10 chậu nước ấm và khăn mặt, bê đến tận chỗ ngồi, mời nhà gái lau mặt, rửa chân tay.

 

 

Trước bàn thờ tổ tiên, chủ hôn làm phép vào hai chén rượu rồi bắt chéo tay ban cho cô dâu, chú rể mỗi người một chén - thủ tục này được lặp lại hai lần (còn gọi là lễ tơ hồng), với ý nghĩa: uống xong ly rượu này hai người sẽ sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long.

 

Cô dâu và chú rể được thắt một dải khăn đỏ tượng trưng cho sợi tơ hồng trăm năm bền chặt. Ông quan làng thay mặt nhà gái có bài lý giao dâu (tiếng Dao gọi là kêu shiên), chính thức giao người con gái cho nhà trai quản lý và tiếp tục dạy bảo nên người.

 

Ông Triệu Đức Thanh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Giang, phân tích: bài giao dâu, trong đó có 1 đoạn nhắc đến lịch sử từ xưa của dân tộc, thời khai thiên lập địa cho đến bây giờ nam nữ phải xây dựng gia đình. Rồi có câu "lên rừng thì cùng lên, xuống suối thì cùng xuống, đi đường chớ vá vay thì người khác khó coi". Đây là giao dâu nói với dâu nhưng thực ra có con rể cùng nghe.

 

Sau đó, cô dâu đứng bên phải, chú rể đứng bên trái, hướng lên bàn thờ làm lễ. Ngồi bên trên (cạnh bàn thờ) là các cụ ông, bà và bề trên nội tộc của cô dâu, chú rể chứng kiến. Nghi lễ này có ý nghĩa cảm ơn ông bà, cha mẹ đã nuôi dưỡng, dạy bảo; cảm ơn tổ tiên đã chở che cho con cháu lớn thành người, kết thành phu thê. Sau lễ bái đường, cô dâu xuống bếp múc nước vào chậu bê lên nhà mời ông mối, chủ hôn, bố mẹ, gia đình nhà chồng rửa mặt. Từ lúc này, cô gái chính thức trở thành người của nhà chồng.

 

Trước khi nhà gái ra về, ông chủ hôn hoặc ông quan làng có bài khá dài dặn dò đôi tân lang tân nương, chủ yếu là cô dâu. Ông Thanh kể: "Người ta dùng làn điệu giọng nói hợp lòng người, kèn chỉ nổi ban đầu thôi, rồi phải dừng lại ngay. Người Dao có câu: nhà trên dạy gái, nhà dưới khôn; một nhà dạy con cả làng khôn. Người dạy bảo con dâu thì tất cả nhà phải ngồi im nghe. Người dạy là quan làng, nên không phải ai cũng làm được".

 

Bài răn dạy có đoạn: "Không phải mọi thứ do định mệnh/Không phải cha mẹ không quan tâm/ Cuộc đời tự thân từ bây giờ/Toàn tâm toàn ý lo gia đình/Vợ chồng đồng tình lại đồng ý/Không được phân tâm chuyện ngoài đường/Hai người một ý chí, có tiền không mua được/Một người hay suy nghĩ/Không tiền cũng lung lay/Do đó đồng tâm phải đồng chí".

 

Ông Triệu Đức Thanh nói: "Người Dao có câu: Cây đẹp không đến mình làm nhà, đất tốt không đến mình trình tường. Nghĩa là người con gái dù xinh đến mấy cũng không đến nhà mình, người con trai đẹp cũng không làm chồng mình nữa. Từ hôm nay trở đi, anh đã nên chồng, chị đã nên vợ, đã có nơi có chốn, ra ngoài đường không được tơ tưởng đến người nào khác, dù người đó đẹp hơn vợ hơn chồng mình rất nhiều, mà phải lưu tâm tu chí xây dựng hạnh phúc của anh chị, làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc ấm no hơn người khác".

 

Trong đám cưới truyền thống người Dao đại bản, không thể thiếu các lời dạy bảo, khuyên răn.

 

Thu Hòa/VOV4

Thu Hòa biên tập bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC