(VOV4) - Người Thổ quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”. Hiện nay, nhiều làng người Thổ ở Quỳ Hợp còn duy trì lễ cúng thành hoàng. Đây là một trong những lễ cúng quan trọng nhất của cộng đồng.
Người Thổ thờ rất nhiều thần, đặc biệt là các vị thần có liên quan đến việc đánh giặc và khai khẩn đất đai. Ngày xưa, hầu như tất cả các làng người Thổ đều có đền miếu thờ các vị thần và thành hoàng làng.
Theo ông Trương Thanh Hải, dân tộc Thổ, cán bộ văn hoá xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, thì điều này liên quan đến nguồn gốc và quá trình phát triển của dân tộc. Người Thổ là những cư dân nhóm Việt Mường di cư đến miền núi Nghệ An, Thanh Hóa, vào khoảng thế kỉ 15-18. Khi đến đây khai hoang, tạo nên một vùng cư trú mới, một tộc người mới, người ta mang theo những phong tục, tín ngưỡng của cộng đồng mình, trong đó có việc thờ thần.
"Dân tộc tộc Thổ xưa nay đều thờ thổ công. Ngoài ra, người ta thờ long mạch, thờ thành hoàng làng. Người ta thờ những ông có công khai khẩn hay có công với làng, coi đó là những vị thần của làng, chủ yếu là ông khai đất, mở cõi, chống giặc ngoại xâm. Do ảnh hưởng của người xuôi lên thì người ta có thờ ông thành hoàng Cao Sơn, sau đó người ta thờ đến các vị thần, chúa đất, thần đất, thần có công khai khẩn có tên lưu ở đền, đình làng" - ông Hải cho biết.
Trong quan niệm của người Thổ, mọi vật đều có linh hồn và được thần linh bảo trợ. Ảnh: baonghean.vn
Lễ cúng Thành hoàng làng, ngày xưa, làng mổ một con lợn, lấy cái thủ lợn cúng trên đình. Từng hộ có con gà thỏi xôi, bánh trái, gồm có bánh đầu chó, bánh sừng trâu, bánh ít, mang đến dâng. Ai có thịt thì mang thịt, ai có gà thì mang gà, dâng cúng xong, cả làng cùng ăn.
Trong tâm thức người Thổ, thành hoàng làng có tác động và ảnh hưởng đến cuộc sống, sự phát triển của dân làng cũng như sự đoàn kết của các gia đình, dòng tộc trong làng. Làng nào duy trì được việc thờ cúng thành hoàng thì làng đó mới thịnh vượng, dân làng mới ăn nên làm ra.
Trên thực tế, việc thờ cúng thành hoàng làng còn giúp duy trì tình làng nghĩa xóm, giúp các gia đình gắn bó với nhau hơn. Bởi, ngày thờ cúng thành hoàng đã trở thành ngày hội của cả dân làng. Vào ngày này, những người con xa quê nếu có điều kiện đều trở về thắp nén hương tưởng các vị thần có công khai mở bờ cõi.
Người Thổ đánh cồng chiêng. Ảnh: baonghean.vn
Các làng người Thổ còn cắt cử người thường xuyên trông coi và lo việc cúng lễ, hương khói hàng ngày tại đền hoặc đình làng. Họ gọi những người này là ông từ đền. Đối với người Thổ, những ông từ đền rất được coi trọng.
Ông từ phải là người có uy tín, biết rành các phong tục lễ nghi để cúng bái. Gia đình ông phải song toàn, có con trai, con gái, làm ăn khấm khá, đạo đức tốt đẹp. Nếu người này để xảy ra chuyện xấu thì dân làng cắt nhiệm và họp, cử người khác. Nhiệm kì của ông từ thường kéo dài 2 năm, có khi đến 5 năm nếu có uy tín. Người Thổ rất tự giác giữ gìn sự tôn nghiêm của đền làng.
Không phải những ngày lễ tết, ngày cúng thành hoàng làng hay các ngày mở cửa đình làng, không phải ai cũng được tự tiện vào. Phụ nữ có thai, phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt thì tự giác không vào đền.
Ngày nay, việc thờ cúng thành hoàng làng và các vị thần vẫn được một số làng người Thổ ở Quỳ Hợp (Nghệ An) duy trì. Tuy nhiên, một số làng, theo thời gian, tục thờ thành hoàng làng mai một dần. Nhiều ngôi đình làng, biểu tượng của sự uy nghiêm, linh thiêng một thời, đã từng được trưng dụng làm kho hợp tác trong thời kỳ chiến tranh hay thời bao cấp, giờ bỏ hoang.
Ông Trương Thanh Hải, cán bộ văn hóa xã Nghĩa Xuân, bảo rằng khi ông đến các làng này, bà con người Thổ đều bày tỏ mong muốn được khôi phục phong tục cổ truyền của địa phương mình. Bởi, theo bà con, do điều kiện khách quan, đình làng có thể bị phá, dẫn đến phong tục thờ cúng có thể bị mai một, nhưng bà con vẫn giữ niềm tin, tín ngưỡng truyền thống. Và, đó mới là điều quan trọng.
Dân tộc Thổ hiện có khoảng 75 ngàn người, sống tập trung ở tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Ở các địa phương khác nhau, bà con người Thổ còn được gọi bằng các tên Kẹo, Cuối, Mọn, Đan Lai, Tày Poọng…
Tuy các nhóm người Thổ có sự khác nhau về ngôn ngữ và một số yếu tố văn hóa bản địa, nhưng đều có chung nguồn gốc và mang đậm yếu tố văn hóa Việt - Mường trong bản sắc văn hóa của mình.
Thanh Nga/VOV1
Viết bình luận