Cuộc sống, không thể tránh được những lúc to tiếng với nhau, hoặc chỉ trong tích tắc không kiềm chế bản thân mà vô tình làm mất lòng nhau. Đêm về sực tỉnh, họ mới nhớ ra rằng: Hôm qua, lời nói của mình hơi nặng nề với bạn bè, hàng xóm...
Ông A Djoa (ở thôn 3, xã Tân Cảnh, huyện Đắc Tô, Kon Tum) kể:‘’Hôm trước, trong làng tôi có một người uống rượu chửi bới người khác. Sáng sớm hôm sau người đó phải đến nhà người kia để xin lỗi. Theo phong tục của chúng tôi thì việc xin lỗi rất quan trọng, trót mắng chửi người khác thì phải biết xin lỗi người ta. Nếu không xin lỗi thì người ta sẽ không bao giờ nghĩ tốt về mình, do đã có lời xúc phạm tới họ’’.
Theo phong tục của người Xơ đăng, việc xin lỗi phải được thực hiện trong buổi sáng sớm, theo sự hoà giải của già làng, thì mới thành. Bà Y Ui, ở thôn Têa Djê Krâm, xã Đắc Rơnga, huyện Đắc Tô, cho biết: ‘’Người có tội phải đến xin lỗi người bị xúc phạm trước khi chim rừng bay ngang qua đường. Họ mang thận gà nướng qua than lửa làm nghi lễ, sau đó bắt đầu xin lỗi người kia. Thậm chí họ mang rượu cần, con gà để tạ lỗi. Bên nào sai già làng bắt họ phải xin lỗi, thậm chí xử phạt. Người mắc lỗi phải hứa không tái phạm nữa’’.
Lý giải tục xin lỗi sáng sớm của người Xơ đăng, ông A Luô, già làng Kon Pâu, buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng (Krông Pach, Đắc Lắc) cho rằng: Buổi sáng sớm là khoảng thời gian có ý nghĩa nhất cho việc hòa giải. Không gian thanh tịnh, trong sạch và yên tĩnh, không bị náo động, không bị nhiễm bẩn bởi sự ô uế của các súc vật đi qua. Thứ hai, vào buổi sáng sớm, tâm trí con người minh mẫn, lời nói thẳng thật từ trái tim của họ. Và bởi thế thì các vị thần linh mới đồng ý đến chứng giám và ban sự tốt lành cho cả hai bên.
Với ý nghĩa “thiêng” đó, mà việc xin lỗi vào buổi sáng sớm luôn thành công.
Nhat Lisa/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận