Một tộc người 3 tên gọi độc đáo
Trong quá sơn bảng văn, từ khoảng sau thế kỷ XVII, người Dao Nga Hoàng đã có những chuyến vượt biển sang Việt Nam. Nơi đặt chân đầu tiên là tỉnh Quảng Ninh, sau đó họ dần đi sâu vào nội địa tới Thái Nguyên, qua Hà Tây cũ, qua Hòa Bình và ngược lên sông Hồng, đến các tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng.
Khi tới Phú Thọ, họ chọn xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập, Phú Thọ làm nơi cư trú nên cái tên Dao Nga Hoàng ra đời từ đó. Bộ phận người Dao Nga hoàng sau đó di cư đến các xã Minh An, Thượng Bằng La, thôn Đá Gân thuộc xã Cát Thịnh, thuộc huyện Văn Chấn, Yên Bái và định cư ở một số xã như Lương Thịnh, Việt Cường, Kiên Thanh, Y Can… của huyện Trấn Yên, Yên Bái.
Theo ông Lý Kim Khoa, Phó Giám đốc bảo tàng tỉnh Yên Bái, nhánh Dao Nga hoàng ở Yên Bái đã định cư ở đây khoảng trên trăm năm. Do chiến tranh thời kháng chiến chống Pháp họ di cư một phần nhỏ các dòng họ như họ Triệu, họ Phùng, họ Lý lên vùng Cổ Phúc. Sau đó, di chuyển sang Văn Chấn.
Múa Bát - tiết mục của người Dao Quần Chẹt (Yên Lập, Phú Thọ). Ảnh: doingoaituyenquang.gov.vn
"Hiện ở Yên Bái, nhánh Dao này phân bố ở xã Minh An và xã Cát Thịnh thuộc huyện Văn Chấn, ở huyện Chấn Yên có xã Hoàng Thắng, Kiên Thành, Lương Thịnh. Đồng bào vẫn giữ được các phong tục, tập quán, tiếng nói". - Ông Khoa cho biết.
Ngoài tên Dao Nga Hoàng, nhánh Dao này còn có tên gọi Dao Quần Chẹt vì trang phục người phụ nữ có ống quần bó sát dưới ống chân đùi và để thụng phía trên. Do bà con có tục sơn đầu bằng sáp ong nên họ còn có tên là Mán Sơn Đầu hay Sao Sơn Đầu.
Những tín hiệu văn hóa trên trang phục
Phụ nữ Dao Nga Hoàng có 2 loại khăn đội đầu: một chiếc màu chàm dài khoảng 2m, rộng khoảng 30cm, không thêu hoa văn, dùng đội ngày thường. Có nơi, phụ nữ còn dùng 2 que tre ngắn đội khăn, tạo hai góc nhọn trên đầu. Còn chiếc khăn thứ hai thêu hoa văn sặc sỡ, người phụ nữ sẽ đội trong dịp lễ trọng như Tết, đám cưới, lễ cấp sắc.
Loại khăn thứ hai có dạng hình chữ nhật, dùng trong lễ cưới hoặc lễ cấp sắc với đặc trưng hoa văn kẻ sọc, có màu trắng, sọc đen.
Điểm nhấn trên chiếc áo chàm của người phụ nữ Dao Nga Hoàng chính là thắt lưng đỏ thắt lấy chiếc áo tứ thân. Ngày hội, chiếc thắt lưng ấy được thay bằng dải vải màu trắng với những kẻ sọc đen.
Th.S Nguyễn Mạnh Hùng, Chi hội Trưởng Chi hội Văn hóa dân gian tỉnh Yên Bái cho hay, trước kia, chiếc áo có 3 thân vì phần lưng thả dài qua mông. Hai phần bên vạt áo sử dụng luôn làm khăn buộc quấn qua eo. Áo không có cúc, chỉ vắt chéo buộc vạt áo hai lượt, sau đó chít về phía trước.
"Áo của người Dao Quần Chẹt cũng cùng kiểu với nhóm người Dao Đỏ nhưng lại thêu ít nét và không có túm tua bông đỏ như của người Dao Đỏ. Phía sau lưng người ta có thêu một cái ấn gọi là ấn của bàn vương. Cái này rất hay, người ta đã khẳng định bàn tổ của mình, luôn luôn con cháu có hướng về quê hương, hướng về tổ tiên nên trong áo của người ta có đặc điểm nhận dạng ấn của Bàn Vương đấy. Ở phần cửa tay và gấu áo có những miếng vải màu trắng, đỏ hoặc vải hoa người ta khâu lại. Người Dao họ còn mặc cả cái yếm màu chàm và thêu hoa văn ở phần cổ, có đính hai bán cầu bằng ngôi sao bạc rất to. Đây cũng là đặc điểm nhận dạng rất riêng của người Dao".
Người Dao Nga Hoàng mặc quần lá tọa, cạp khá rộng. Chúng được quấn xà cạp hoặc chít lại xuống đầu gối. Đặc biệt hơn, các lớp viền ở dưới quần có những hoa văn tưởng nhớ những năm tháng tổ tiên người Dao Nga hoàng vượt biển khó khăn để định cư trên vùng đất mới.
"Người ta cũng buộc 7 sợi chỉ đỏ gọi là cái tua của quần. Cái tua này kéo dài cho đến mắt cá chân. Bình thường khi lao động, người ta sẽ vắt 7 cái tua lên. Đi lễ trong làng người ta sẽ để cái đó dài thành sợi chỉ kéo dài xuống mắt cá chân. Tất cả là thông điệp gửi lại cho thế hệ sau khi vượt biển chẳng may được sống sót, nhắc nhở thế hệ sau biết hãy thi nhau trèo dốc chứ đừng thi nhau qua sông, suối làm gì". - Ông Khoa lý giải.
Quần tụ vùng trung du
Ghi nhớ lời dạy của tổ tiên, con cháu người Dao Nga Hoàng đã quần tụ ở những vùng đất trung du, hay bán trung du. Địa thế đó không chịu ảnh hưởng khí hậu khắc nghiệt nên người Dao Nga Hoàng làm nhà đất để ở.
Là dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mông – Dao, nhưng người Dao Nga hoàng lại có sự khác biệt so với các dân tộc trong cùng ngữ hệ. Tại Yên Bái, người Dao Nga Hoàng thường tập trung thành làng bản. Mỗi bản có từ 15 nóc nhà trở lên và quần cư, liên kết với các xóm làng khác quanh khu vực, và có mối liên kết với nhau về dòng tộc, ngôn ngữ, đặc biệt là văn hóa. Từ đó, hình thành nên vùng dân rộng lớn.
Bước vào ngôi nhà của người Dao Nga hoàng, nơi bạn phải chú ý không lại gần chính là bàn thờ. Bởi đây là nơi linh thiêng của mỗi gia đình, dòng họ người Dao.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đậm nét
Người Dao Nga hoàng theo tín ngưỡng đa thần, đạo giáo và nho giáo có dấu ấn đậm nét trong văn hóa, tín ngưỡng dân gian của đồng bào.
Nghiên cứu của Th.S Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: tín ngưỡng dân gian truyền thống ảnh hưởng sâu đậm và có vai trò vô cùng quan trọng đối với cộng đồng người Dao nói chung và người Dao Nga hoàng ở Yên Bái nói riêng.
Minh chứng cho điều này được thể hiện bằng các hệ thống tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán và các lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên theo một chu kỳ bất biến trong năm. Trước đây, việc chăn nuôi của đồng bào chủ yếu lấy nguồn thực phẩm phục vụ cho các nghi lễ tín ngưỡng dân gian và làm vật dâng cúng tổ tiên, thần thánh trong văn hóa của người Dao Nga hoàng.
"Người ta nuôi lợn chủ yếu phục vụ nhu cầu tín ngưỡng là cơ bản. Trong một năm người ta tổ chức rất nhiều tín ngưỡng liên quan đến đời sống văn hóa tâm linh. Lễ vật chủ yếu trong toàn bộ nghi thức đấy là lợn. Chính vì vậy, khi đến một cộng đồng người Dao, đến một gia đình chúng ta thấy có những con lợn người ta đánh dấu: lợn này để dùng cho lễ cấp sắc, con lợn này dùng để cho lễ chay, con lợn này dùng cho tết nhảy hay con lợn này dùng để dành cho việc tổ chức lễ cưới. Việc nuôi cho tới khi nào dùng vào nghi thức thì người ta mới dùng chứ không dùng con lợn đấy vào dịp khác. Do đó thể hiện rằng tín ngưỡng của đồng bào khá là đậm nét và phong phú".
Người Dao có tín ngưỡng thờ tổ tiên, đặc biệt nhất, trang trọng nhất là tín ngưỡng thờ Bàn Vương – thủy tổ của người Dao. Bàn Vương được thờ chung với ông bà, cha mẹ, các đời của các dòng họ người Dao Nga hoàng. Đối với Bàn Vương được thờ ở bàn thờ nhà cái của trưởng họ tộc lại có nhiều lễ thức trong năm.
Đối với mỗi người nam giới của người Dao Nga hoàng, trong cuộc đời mình họ phải làm lễ cấp sắc, lần lượt theo vai vế từ lớn đến nhỏ. Họ quan niệm, lễ cấp sắc là lễ đặt tên cho linh hồn và cấp sắc phong để sau khi qua đời, linh hồn đó có tên gọi và có sắc phong “thông hành” về thế giới tổ tiên.
Đây cũng chính là nghi thức chứng minh cho sự trưởng thành của nam giới được cộng đồng làng công nhận, được cấp phép đi làm thầy cúng, có tên gọi riêng và sau khi qua đời được tổ tiên đón nhận.
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận