Vật cúng của người trên núi mang ký ức về biển khơi
Thứ hai, 00:00, 03/07/2017 Hoàng Minh Hoàng Minh
VOV4.VN - Một trong những nghi thức quan trọng nhất của người Raglai là lễ cúng Kagor. Kagor là biểu tượng cho nơi trú ngụ của linh hồn người chết ở thế giới bên kia. Điểm đặc biệt ở chỗ, Raglai là tộc người cư trú lâu đời trên các vùng núi phía Nam và Đông Nam dãy Trường Sơn, nhưng Kagor lại mang hình dạng con thuyền của người đi biển.

Người Raglai quan niệm rằng: Con người sau khi chết đi, linh hồn chưa sang cõi âm ngay mà vẫn quyến luyến nhân gian, cùng tồn tại, ăn ở với con cháu. Vì vậy mà người Raglai phải tổ chức lễ bỏ mả để tiễn linh hồn người chết. Đây là lễ chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết để người chết trở về với tổ tiên, từ đó đầu thai kiếp mới.

Lễ bỏ mả của người Raglai ở thôn Động Thông, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, thường được tổ chức vào khoảng tháng tư dương lịch, khi thời tiết còn tạnh ráo, thuận tiện cho việc di chuyển ngoài trời.

Anh Pơ Tao A Xá Ngoan cho biết: Khoảng thời gian từ lúc trong nhà có người qua đời đến khi gia đình tổ chức lễ bỏ mả không được ấn định mà tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Bỏ mả có thể tổ chức ngay sau lễ tang chính ít ngày, cũng có thể là sau đó 1-2  năm, vừa để có thời gian chuẩn bị, vừa để các thành viên trong gia đình vơi bớt niềm xót thương người quá cố.

 

Người Raglai ở thôn Động Thông tái hiện lễ bỏ mả tại Làng văn hóa và du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hoàng Minh

 

Luật tục của người Raglai quy định việc chủ trì lễ bỏ mả phải giao cho 3 vị già làng hiểu biết luật tục đảm nhiệm. Toàn bộ các thành viên trong gia đình phải ngồi quanh 3 vị già làng trong suốt quá trình làm lễ. Sau nghi thức trình báo với linh hồn người đã khuất tại sân nhà, ba vị chủ lễ tiếp tục ngồi xếp bằng trước 3 mâm lễ vật có thịt gà, thịt và thủ heo luộc chín, rượu cần, rượu trắng, gạo sống để cúng Kagor, xin tổ tiên, ông bà cho phép linh hồn người đã khuất được sang bên kia thế giới đoàn tụ với tổ tiên.

Kagor của người Raglai có hình dạng một con thuyền lớn với 3 tòa tháp và 6 con rồng trong thế chúc đầu xuống. Ngoài chạm trổ hình rồng, trên Kagor còn trang trí nhiều hình tượng khác như chim muông, trâu bò, heo gà. Bà con quan niệm, trang trí Kagor càng cầu kì thì cuộc sống của người đã khuất ở thế giới bên kia càng sung túc vui vẻ.

Kagor cũng phần nào thể hiện khả năng kinh tế của gia đình tổ chức bỏ mả. Nhưng gia đình giàu có sẽ cho tạc trổ từng mảnh hoa văn rồi gắn vào Kagor, còn gia đình ít điều kiện hơn thì chỉ dùng màu vẽ lên.

 

Kagor của người Raglai ở thôn Động Thông. Ảnh: Hoàng Minh

 

Nghệ nhân Cha-ma-lé Thơm, 66 tuổi, ở thôn Động Thông, cho biết: “Làm Kagor này phải mượn thợ trong làng. Mà Kagor giá thấp nhất là 3 triệu. Hồi xưa mình trả cho họ một con lợn lớn 40-50 kg, mà phải đặt họ làm chứ họ không làm sẵn đâu”.

Cúng Kagor xong, ba vị chủ lễ sẽ dẫn các thành viên trong gia đình, họ tộc, bà con lối xóm rước Kagor và dẫn hồn người chết ra nhà mồ. Đến nơi, Kagor được bà con đặt chắc chắn trên nóc nhà mồ.

Anh Pơ tao A xá cho biết Kagor tồn tại càng lâu càng thể hiện phúc trạch mà tổ tiên và những người đã khuất phù hộ con cháu còn sống. 

Tài liệu Văn hóa và xã hội người Raglai ở Việt Nam xuất bản năm 1998 của tác giả Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyên, đưa ra luận thuyết tổ tiên của người Raglai ở Việt Nam có nguồn gốc từ các đảo vùng biển Nam Trung Quốc di cư xuống Đông Nam Á, một bộ phận rẽ vào Việt Nam. Hiện tại, không còn tài liệu hay bằng chứng nào chứng minh luận thuyết này. Tuy nhiên có thể thấy, Kagor với hình dạng thuyền dường như thể hiện ký ức mơ hồ của người Raglai về biển, về cội nguồn xa vời mà những linh hồn tìm về với tất cả lòng thành kính. 

 

 

 

Hoàng Minh/VOV4

 

Hoàng Minh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC