Vẻ đẹp cộng cảm trong bữa cơm tiễn biệt của người Ê đê
Thứ hai, 00:00, 27/03/2017

VOV4.VN - Nếp sống hiện đại đã làm cho nhiều tục lệ xưa của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên bị mai một. Nhưng người dân tộc Ê-đê ở buôn Alê vẫn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống. Một trong số đó là bữa cơm vĩnh biệt, những món quà tiễn biệt, tiễn người đã mất về với tổ tiên.

 

Trong các nghi lễ liên quan đến vòng đời của người Êđê thì bữa cơm tiễn biệt là nghi lễ quan trọng. Lễ chia tay này được người Êđê ở buôn ALê, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, thực hiện ngay trong đám tang, sau khi việc chôn cất đã xong.

 

Trước đây, bữa cơm này là một phần của lễ bỏ mả, chỉ được tổ chức vài năm sau khi an táng người chết, với nhiều nghi lễ cúng bái, đốt lửa, nhảy múa và uống rượu cần.  Nhưng nay, các lễ cúng không còn, bà con đến chia sẻ với tang chủ và tiễn biệt Atâo (người chết) bằng tấm lòng của mình.

 

Thay vì góp heo, góp bò, góp gà hay rượu cần, thì bà con góp một ít gạo, có khi một ít tiền, đóng góp vào bữa ăn chung. Quan trọng hơn là họ đến để tâm sự, động viên người nhà có tang để họ vơi đi nỗi đau mà hướng về cuộc sống của mình.

 

Vì được tổ chức ở nghĩa địa, ngay sau khi hoàn thành nghi lễ mai táng người chết, nên khâu chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Bà H'Nghiêp Niê, cho biết: Việc tổ chức tang lễ ở buôn Alê thường diễn ra trong ba ngày. Hai ngày đầu để bà con đến viếng chia buồn, đến ngày thứ ba mới đưa đi an táng. Trong mấy ngày đó, thanh niên trong buôn đi vào rẫy kiếm củi, kiếm môn, đọt chuối, quả đu đủ, quả cà đắng, để nấu djam bua (canh môn).

 

Không giống người Kinh tặng người chết những món quà làm bằng giấy. Người Êđê ở buôn Alê tự chế tác những món quà tùy theo tâm tư của mình. Phổ biến nhất là món quà  có tên là Mnưh, gần giống chiếc diều, được dệt từ chỉ màu, để giúp Atâo dễ dàng về thế giới bên kia, không bị quỷ dữ quấy nhiễu.

 

Trong kêm thứ hai trước ngày chôn cất, họ cùng nhau lột môn, thái đu đủ, lột đọt chuối để chuẩn bị cho công đoạn nấu vào sáng hôm sau. Nguyên liệu mất hai ngày chuẩn bị bởi có đám ma tới cả ngàn người dự. Những món ăn chính là djam bua, kan krô (cá khô), mrac plăng (ớt giã với sả), do những người đàn bà trong họ hàng nấu từ sớm khoảng 2 giờ sáng vào ngày thứ ba. Sau khi việc chôn cất hoàn tất, mọi người sẽ cùng ăn bữa cơm vĩnh biệt.

 

Bữa cơm vĩnh biệt, phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình, mà tổ chức to hay nhỏ. Tang chủ khá giả thì giết trâu, bò, ngả rượu cần.  Còn những gia đình bình thường thì giết heo, gà, có nước ngọt để mời bà con.

 

Theo bà H'Jhao Knul, dù ăn ở nghĩa địa, nhưng bữa ăn này luôn rất ngon, vì đây là món ăn truyền thống chỉ có vào ngày tang lễ, được chuẩn bị nguyên liệu rất kỹ và do những người giỏi việc bếp núc đảm nhận. Quan trọng hơn, đây là bữa cơm cuối cùng, thể hiện tình cảm của bà con với người đã khuất, tưởng nhớ và biết ơn những gì người đã khuất từng làm cho họ. Bữa cơm tiễn biệt còn thể hiện quan niệm về sinh tử, chết không phải là hết mà là bắt đầu một chặng đường mới của người đã khuất.

 

Theo Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết, Đại học Tây Nguyên, trước đây, bữa ăn cơm vĩnh biệt là khâu cuối cùng sau khi thực hiện nghi lễ bỏ mả. Nhưng nay, đây là hoạt động đưa tiễn, là giữa người sống và người chết từ đây sẽ tách biệt hai thế giới. Lúc này người chết có thể đi đầu thai trong hình hài của một đứa trẻ. Lễ bỏ mả hiện không còn được duy trì thì những bữa ăn vĩnh biệt là một cam kết cộng đồng đối với gia đình Atâo, đó là sẵn sàng gánh vác giúp việc tang lễ, góp sức để việc tang lễ được hoàn thành một cách tốt đẹp, để Atâo yên lòng về với tổ tiên và không gây hại cho người sống.

 

Theo tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung, bữa cơm tiễn biệt nên tiếp tục được phát huy trong đời sống của người Ê-đê, bởi nó mang vẻ đẹp cộng cảm giữa người sống và người chết và giữa các thành viên trong buôn làng. Sau rất nhiều đổi thay, nếp sống tâm linh đẹp đẽ này vẫn đang góp phần kết nối cộng đồng, giúp đỡ nhau hướng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

 


Nguyên liệu được sơ chế từ đêm trước

Phụ nữ đảm nhận vai chính trong bếp

Mỗi người một việc

Món canh môn truyền thống

Dân làng đưa tiễn người chết ra nghĩa địa

Nổi lửa nấu ăn ngay tại nghĩa địa, và cả làng sẽ cùng ăn bữa ăn cuối cùng với người chết ở đây




Niê Hra/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC