Vợ đi bước nữa, chồng mới phải trả lễ cho chồng cũ
Thứ sáu, 00:00, 30/09/2016 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài

(VOV4) – Đó là phong tục của người Dao Thanh Phán, cư trú tại huyện Bình Liêu, Quảng Ninh.


Giúp chồng cũ trả nợ…

 

 

Con trai người Dao Thanh Phán khi đã thực hiện nghi lễ trưởng thành được tự do yêu đương, tìm hiểu và cưới vợ. Qua những phiên chợ, gặp nhau, ưng nhau, sẽ nên vợ nên chồng. Anh Dường Cắm Hếnh, ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, cho hay, tổ chức đám cưới là trách nhiệm của nhà trai:


"Từ bé đến 18 tuổi bắt đầu đi lấy chồng thì bên nhà trai phải trả cho bên nhà gái số tiền khoảng 6 triệu. Các khoản ăn uống thì hầu như bên nhà trai phải lo liệu hết. Nhà gái chỉ đến hôm đấy đưa dâu đến nhà trai và ăn thôi. Phải vay lợn, vay gà của anh em họ hàng để đủ 2,4 tạ thịt đấy, còn vay một số gà để thịt ăn”.



Cô dâu, chú rể người Dao Thanh Phán. Ảnh: qtv.vn

Theo ông Vi Hồng Lâm, Trưởng phòng văn hóa - thông tin huyện Bình Liêu, trước kia lễ vật thách cưới của người Dao Thanh Phán khá nặng nề: “Phải có vòng bạc trắng, có trâu, có quần áo, có tiền. Nhưng bây giờ, đồng bào Dao Thanh Phán cũng có sự đổi mới rất nhiều. Họ chỉ mời anh em họ hàng đến chứng kiến và tổ chức dăm ba mâm cơm, mời họ hàng, cúng tổ tiên chứ không nặng nề như ngày xưa nữa”. 


Chính vì lễ vật thách cưới lớn như vậy nên người Dao Thanh Phán có một tục lệ: nếu như vợ chồng không còn yêu thương nhau, mỗi người một ngả, người vợ có đi bước nữa, người chồng mới phải trả hết số lễ vật mà lễ cưới trước anh chồng cũ phải thực hiện. 


Anh Dường Cắm Hếnh lý giải: “Lúc mình lấy thì đã phải vay lợn, vay gà của anh em họ hàng. Thời điểm ly hôn chưa trả được hết thì bên vợ phải lấy cái nợ đó để giả nợ cho họ hàng. Người chồng mới phải đến nhà người chồng cũ hỏi còn những sính lễ, chỗ vay nào chưa trả được, giúp chồng cũ trả cái nợ đấy".

 


Cô dâu về nhà chồng phải trùm khăn đỏ



Đưa dâu, trên đường về nhà chồng, bạn bè cô dâu, chú rể họp thành từng tốp ở từng đoạn đường, dùng dây ngăn đường, rồi đặt nia tại đó. Nhà gái phải thả tiền hoặc cho một nắm gạo hay mấy cái bánh vào đó, mới được đi. Đó là một cách để bạn bè nhắc nhở cô dâu chú rể luôn nhớ đến mình, rằng "tớ vẫn đang theo dõi bạn đấy nhớ”.


Bước chân đến nhà chồng, lũ trẻ sẽ ùa ra, túm lấy áo ngăn không cho cô dâu vào nhà. Chỉ khi cô dâu lấy tiền ra cho chúng, cô mới được bước chân qua cửa. Điều này như một lời chúc phúc cô dâu, chú rể sớm sinh con đàn cháu đống, hạnh phúc bền lâu.


Đặc biệt, về nhà chồng, cô dâu phải đội trên đầu chiếc mũ cao. Ở trên, trùm chiếc khăn đỏ che đến ngang ngực, thêu hoa văn sặc sỡ. Đồng bào quan niệm làm như thế để bảo vệ con dâu, không cho ma quỷ đến bắt. Điều đó cũng thể hiện sự trong trắng của người con dâu khi bước chân về nhà chồng. 


Cho đến giờ, nét đẹp này vẫn được đồng bào Dao Thanh Phán gìn giữ.

 

 

 

 

Đỗ Quyên/VOV4

Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC