Xong đám cưới, phải hát cảm ơn mọi người
Thứ ba, 00:00, 28/03/2017 Thu Hòa biên tập bài Thu Hòa biên tập bài

VOV4.VN - Đám cưới người Dao đại bản ở Hà Giang có nơi đơn giản, có nơi phức tạp, nhưng đều ứng xử với nhau bằng những câu từ bóng gió, ví von sâu xa, chứ kông bộc bạch thẳng thừng.
 

Trong đám cưới, các bài lý như cảm ơn chủ hôn, bếp trưởng, thầy thổi kèn, người châm rượu và cảm ơn chủ nhà tùy tài ứng xử của mỗi người, họ có thể thêm bớt cho phù hợp, nhưng gốc cơ bản là các bài hát cổ của người Dao.

 

Ví dụ như cảm ơn người thổi kèn, người ta hát, đại ý: Bao ngày đêm thổi kèn đánh trống/Tay không ngừng, miệng không được nghỉ/Hầu cho chúng tôi được vui, được ấm/Góp phần đám cưới đại thành công/Không có gì cảm ơn, mời chén rượu cho vui.

 

Hay lời cảm ơn người châm rượu: Chúng tôi ngồi mâm được ăn và được uống/Chúng tôi ăn no, uống say, uống kéo dài/Làm cho người châm tửu khó chịu/Mong anh, mong chị người châm tửu/Bỏ quá cho anh em khách chủ nhà...

 

Đám cưới người Dao đại bản. Ảnh: baomoi.com

 

Người Dao rất để ý cảm ơn cả những người làm bếp, đặc biệt là ông trưởng bếp, mà họ trân trọng gọi là “thầy”. Trước khi đám cưới diễn ra, ông thầy này sẽ lập ra một nhóm người giúp việc. Đêm hôm trước, thầy trưởng bếp sẽ cúng báo cho tổ tiên biết việc quan trọng và nhắc nhở mọi người bên nhà trai cùng góp tay giúp sức cho chủ nhà. Ông cũng dặn dò mọi người không được lãng phí, không quá chén và tự bảo quản trang sức, tiền bạc, không để xảy ra mất mát.

 

Tới khi đám cưới kết thúc, lời cảm ơn trưởng bếp được gia đình bày tỏ: Gia chủ mời đến anh/Cùng các anh tài, chị khéo/Cùng đến đây giúp đỡ gia chủ bày mâm cỗ/Bao ngày đêm không được nghỉ/Tay không ngừng chịu nóng chịu rét/Nhờ anh làm trưởng bếp/Cơm ngon, canh ngọt, rượu đầy đủ/Tất cả mọi người cảm ơn các anh cùng các chị rất nhiều.

 

Đặc biệt, người Dao rất coi trọng ông chủ hôn, người chủ trì nhiều nghi thức xuyên suốt mấy ngày mấy đêm, người đại diện cho đạo đức, cho thịnh vượng, và mọi điều tốt đẹp cho cuộc sống chung của đôi trai gái sau này. Chủ hôn phụ trách tiếp đón nhà gái, mời chè, mời nước, mời thuốc. Chủ hôn đáp từ những người đến chúc mừng đám cưới. Chủ hôn đón cô dâu vào nơi thờ cúng gia tiên làm lễ nhập đinh. Khi rửa mặt xong, chủ hôn lại cho tiền cô dâu để lấy may mắn…

 

Công việc nhiều như vậy nên lời cảm ơn chủ hôn được người Dao bày tỏ với lòng trân trọng: Buổi lễ kết hôn thành vợ chồng/Mọi việc chủ lễ đều đã xong/Chủ hôn thầy, chủ hôn bắc cầu vượt đường lầy/Buổi lễ ai ai được yên bài/Cảm ơn ông thầy chủ lễ/Không gì trả ơn, chỉ có chén rượu mời.

 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Triệu Đức Thanh, người Dao đại bản ở Hồ Thầu, Hoàng Su Phì, Hà Giang: Suốt quá trình diễn ra đám cưới, lời cảm ơn được người Dao cất lên thường xuyên. Bởi vậy, người nhận cũng nên cất lời đáp từ, nếu không biết cách nói thì nhờ người khác đáp từ giúp, nhưng vẫn phải thể hiện cho biết mình rất trân trọng tình cảm của họ. Để khi ra về vẫn lưu luyến, tình người vẫn ở lại và vẫn lưu giữ những gì tốt đẹp nhất trong nhau.

 

Theo quan niệm của người Dao đại bản, đoàn đưa dâu của nhà gái dù gần hay xa đều phải nghỉ lại nhà trai một đêm, rồi sau khi ăn 3 bữa cơm được nhà trai mời, khi về nhà gái không quên gửi lời cảm ơn thông gia: Chúng tôi chả mang được gì đến/Chỉ có cô dâu giao chủ nhà/Ông bà thông gia quản lý và dạy bảo/Công việc sớm tối đều nhờ thông gia/Chỉ giáo đến nơi đến chốn mới nên người/Chúng tôi đến thì có con gái/Đi thì con ở lại phận làm dâu/Cảm ơn chủ nhà, cảm ơn anh em.

 

Lúc này, chàng rể sẽ mang khay đặt 2 chén rượu ra mời bố mẹ vợ ở lại và không quên mang số thịt lợn gồm: 1 thủ lợn cho bố mẹ vợ, 3 đùi lợn (1 cho bà ngoại, 1 cho ông anh vợ- nếu có và 1 cho quan làng), một số miếng lẻ thịt lợn theo số lượng khách của nhà gái đưa dâu, sao cho mỗi người được một miếng 5-6 lạng.

 

Ngày nay, một số phong tục truyền thống của người Dao đại bản đã dần bị mai một. Thế nhưng những lời cảm ơn trong đám cưới vẫn được duy trì.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

Thu Hòa biên tập bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC