Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm Pa Cô, Vân Kiều
Thứ tư, 00:00, 29/05/2019 Hoàng Thái-Giàng Seo Pùa Hoàng Thái-Giàng Seo Pùa
VOV4.VN -Từ lâu, nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của đồng bào thiểu số Pa Cô, Vân Kiều sống trên địa bàn huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Xã A Bung, huyện Đakrông được biết đến như "cái nôi" của ngành dệt truyền thống của đồng bào Pa Cô. Những năm trước, những khung cửi bị mạng nhện phủ đầy. Nhưng giờ đây, tất cả đã khác, khung cảnh ấy được thay thế bằng hình ảnh của các mẹ, các chị vừa trò chuyện, vừa thoăn thoắt dệt vải.

Những tấm vải thổ cẩm đầy màu sắc được dệt nên bằng sự cần mẫn, chăm chỉ của các mẹ, các chị, góp phần giữ gìn bản sắc riêng của người Pa Cô-Vân Kiều được truyền lại từ bao đời nay.

 

(Chị Hồ Chị Chừa-Thôn A Bung, xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị bên khung dệt thổ cẩm. Ảnh: Hoàng Thái)

Huyện Đakrông hiện có 3 xã chuyên dệt nghề thổ cẩm, trong đó, hai xã chuyên dệt trang phục truyền thống của người Pa Cô và một xã chuyên dệt trang phục truyền thống của người Vân Kiều. Xã A Bung có nghề dệt thổ cẩm phát triển nhất huyện. Xã hiện có 4 tổ sản xuất chuyên dệt vải thổ cẩm của người Pa Cô với sự tham gia của 25 phụ nữ ở các thôn A Bung, Cu Tài 1, Cu Tài 2 và Ty Nê…

Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã A Bung nhiệm kỳ 2015-2020, với quyết tâm giữ gìn, phát huy nghề truyền thống. Từ năm 2018, toàn bộ công chức xã A Bung đã may đồng phục thổ cẩm để mặc vào mỗi ngày thứ 2 đầu tuần trong giờ hành chính và các dịp Lễ, Tết. Cách làm này đã góp phần tạo đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy ngành dệt truyền thống phát triển…

Từ xa xưa,  ký ức của những bé gái người Pa Cô luôn gắn liền với tiếng lách cách của khung cửi và những cuộn chỉ đầy sắc màu. Nghề dệt thổ cẩm không chỉ đơn thuần là dệt ra những mảnh vải đẹp để dùng trong cuộc sống và sinh hoạt, nó còn chứa đựng cả linh hồn của người Pa Cô gửi gắm từ bao đời./.

Hoàng Thái-Giàng Seo Pùa

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC