Ứng dụng công nghệ phát triển tài nguyên bản địa
Thứ tư, 00:00, 15/08/2018 Việt Phú BT CT + 2 ảnh Việt Phú BT CT + 2 ảnh
VOV4.VN- Hiện nay, khá nhiều mô hình khởi nghiệp của các bạn trẻ người dân tộc thiểu số đã có được những thành công ban đầu nhờ xây dựng và phát triển sản phẩm kinh doanh dựa vào lợi thế và tiềm năng sẵn có. Song, để những mô hình khởi này phát triển bền vững, thì việc ứng dụng công nghệ phát triển tài nguyên bản địa là yếu tố cần thiết.

Gần 60 đoàn viên thanh niên với những khát vọng khởi nghiệp nơi bản làng khi tham gia lớp tập huấn nâng cao kiến thức trong quá trình khởi nghiệp tại huyện Quản Bạ. Đây là lớp học có sự tham gia của nhiều bạn trẻ ở nhiều địa phương miền núi phía Bắc tham gia. Có học viên đã vượt hơn 500 cây số, di chuyển trong gần 20 tiếng đồng hồ trên những cung đường đang sạt lở vì bão lũ, để được tiếp cận những kiến thức, kinh nghiệm trong khởi nghiệp. Một số bạn di chuyển bằng xe máy, vượt quãng đường hơn 300km, cũng với mục đích duy nhất là được tham gia lớp học, nhận được những chia sẻ, góp ý từ các chuyên gia để hoàn thiện ý tưởng, dự án. 

Với các bạn trẻ, đây là một khóa học bổ ích, bởi đây là bước đệm vững chắc cho  họ tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển ước mơ của mình.

Giàng A Dậy, một thanh niên dân tộc Mông đã khá thành công với mô hình trồng rau trên mảnh đất khô cằn xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, Sơn La chia sẻ: mặc dù đã được tu nghiệp ở Israel với những kiến thức phong phú, song những lớp tập huấn như thế này đã bổ sung cho Dạy và các bạn những kinh nghiệm mà các chuyên gia đã đúc kết qua thực tế. 

Các khởi nghiệp viên chụp ảnh lưu niệm tại khóa tập huấn. 

Bạn Hoàng Dung đến từ Sơn La cho rằng: những kiến thức được tập huấn lần này rất thiết thực với chị, bởi việc kinh doanh dịch vụ homestay mà chị đang làm đòi hỏi phải có những kiến thức tốt trong nhiều lĩnh vực.

Ông Trần Anh Tuấn - giám đốc công ty tư vấn Người mở đường, là giảng viên lớp tập huấn cho biết: khá nhiều bạn trẻ với mô hình khởi nghiệp hiện nay đều đưa ra những sản phẩm mà thị trường ít nhu cầu. Bởi vậy mà nhiều ý tưởng của các bạn đã thất bại, thậm chí là thất bại ngay từ khi mới triển khai. Do vậy,  những lớp tập huấn như thế này sẽ giúp cho các bạn có thêm kiến thức để chuẩn bị tốt hơn cho ước mơ khởi nghiệp của mình.

Theo ông Sèn Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, trưởng ban hỗ trợ khởi nghiệp huyện cho rằng: Hiện nay, nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số đã có khát vọng khởi nghiệp, song thường chỉ là tự phát, chưa có nhiều kinh nghiệm. Do vậy, rất cần sự chia sẻ, đồng hành của các chuyên gia, nhà tư vấn..để các bạn trẻ lập thân, lập nghiệp một cách bền vững có hiệu quả.

Bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp cho rằng, không phải có tiền mới khởi nghiệp được. Thanh niên với sự sáng tạo, và tận dụng thời cơ, các nguồn lực xung quanh, nguồn tài nguyên đặc biệt ở địa phương sẽ có tỷ lệ thành công cao. Các bạn trẻ người dân tộc thiểu số cần khai thác những nét đặc trưng văn hóa, làm nên sự độc đáo của sản phẩm, các sản phẩm, dịch vụ phải là những yếu tố hấp dẫn, độc đáo và có thể xem là duy nhất, nguyên bản của từng địa phương. thì thành công là điều không quá khó.

Đối với ông Trần Anh Tuấn giám đốc công ty tư vấn Người mở đường, thì việc tận dụng và ứng dụng công nghệ trong phát triển tài nguyên bản địa là vô cùng cần thiết khi mà ở những vùng núi có quá nhiều lợi thế, đặc biệt là ở Hà Giang nơi được nhận định là có nhiều tiềm năng chưa được đánh thức.

Ngoài vốn kiến thức, khả năng tài chính còn thiếu và yếu thì việc vận dụng ứng dụng công nghệ thực sự là câu chuyện cần phải quan tâm nhiều hơn. Theo bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp thì phải coi trọng tài nguyên bản địa, đó mới là hướng đi đúng và bền vững nhất.

 

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC