Cái chữ theo bước chân em
Thứ sáu, 00:00, 22/11/2019 Thu Ha Thu Ha
VOV4.VN – Cái chân chỉ quen theo mẹ lên nương, giờ phải đến trường, lại còn phải học chữ, mà học bằng tiếng Việt – đó là những thách thức với các em nhỏ ở huyện vùng cao Văn Chấn. Vài năm trở lại đây, đã có những cánh tay giang rộng, nâng bước các em đuổi theo từng con chữ.

 

Văn Chấn là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái có nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số. Với các em nhỏ ở bậc tiểu học, khó khăn lớn nhất khi đến trường là khả năng sử dụng tiếng Việt còn rất hạn chế.

“O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thời thêm râu”, việc học thuộc mặt 24 chữ cái, 10 chữ số được coi là rất nhẹ nhàng, đơn giản đối với trẻ em miền xuôi, nhưng với trẻ em dân tộc thiểu số, chỉ riêng học “cái chữ” theo nghĩa đen thôi đã là một thách thức vô cùng lớn.

Nguyên nhân thật dễ hiểu, bởi các em được sinh ra và lớn lên trong môi trường tiếng mẹ đẻ là chủ yếu, trước khi đến trường, đa số các em hoàn toàn chưa được tiếp cận với tiếng Việt.

Ngại ngần trong giao tiếp, những ngày đầu tiên bước chân đến trường, ngồi trên lớp nghe cô giáo giảng bài gần như không hiểu gì, các em lại càng dụt dè, nhút nhát.

Dự án thí điểm bộ công cụ hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với đọc viết, toán và tiếng Việt (ELM) giai đoạn 2015 - 2017, rồi tiếp đến là dự án “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam” (trị giá 42 tỉ đồng) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ trong thời gian 2018-2020, được Tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the children – SC) phối hợp với Phòng Giáo dục Huyện Văn Chấn triển khai, thực sự là những luồng gió mát lành với các em.

(Đây chính là luồng gió mát lành theo bước chân các em đến trường - Ảnh: VOV)

Mấy năm qua, các em nhỏ người dân tộc thiểu số từ 3 đến 11 tuổi ở Văn Chấn được tiếp cận với các phương pháp mới như “Hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với đọc viết và toán” (ELM), và “Tăng cường kỹ năng đọc viết cho trẻ Tiểu học” (LB) tại trường học và gia đình. Nhờ đó, các em dần quen với việc tham gia các hoạt động cộng đồng như “trại đọc”, “thư viện sách” hay cùng bố mẹ đến với "Câu lạc bộ cha mẹ".

Tại các trường tiểu học của Văn Chấn, giờ đây, hình ảnh các trại đọc đã không còn xa lạ. Đó là những buổi sinh hoạt được tổ chức tại trường. Tham gia Trại đọc, các em có cơ hội được viết, vẽ, nghe đọc truyện trong một bầu không khí thoải mái, vui vẻ.

Những em nhỏ người Mông, Dao hay Thái trong trang phục của dân tộc mình say sưa viết, vẽ, rồi tô tranh, chơi trò chơi trong các trại đọc thực sự là một bức tranh đẹp ở các trường Tiểu học như Nậm Lành, Sùng Đô hay Suối Giàng.

(Một buổi sinh hoạt Trại đọc của cô trò trường Tiểu học Nậm Lành - Ảnh: VOV)

Với các bậc cha mẹ, họ được mời đến trường tham dự CLB Người chăm sóc trẻ hay CLB Cha mẹ, được cung cấp kiến thức và kỹ năng về giáo dục con tại nhà, biết cách tạo ra môi trường giúp trẻ tăng cường kỹ năng đọc viết tại gia đình.

(Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Cha mẹ tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sùng Đô - Ảnh: VOV)

Thay vì để con tự học, giờ đây, tối tối những ông bố, bà mẹ, có người không biết chữ nhưng cũng đã biết học bài cùng con. Giờ nấu ăn hay sinh hoạt hàng ngày họ đều đưa những con chữ tiếng Việt ra để đánh đố, kích thích khả năng học tiếng Việt cho con em mình.

Với anh Hoàng Tôn Lai, người Dao, phụ huynh của các em Hoàng Kim Tài và Hoàng Kim Phúc ở trường Tiểu học Nậm Lành, niềm vui như được nhân lên sau mỗi lần tham dự CLB Cha mẹ. Bởi nhờ có CLB, giờ đây, anh đã trở thành thầy giáo tại nhà của các con. Mỗi tối, anh đều đọc truyện, học bài cùng con, đặt câu hỏi để con tương tác về câu chuyện đã đọc.

Với các cô giáo ở lớp 1, 2, do nhiều cô không biết tiếng thiểu số, nên mỗi lớp sẽ có thêm một trợ giảng. Trợ giảng là người tại địa phương có vai trò là cầu nối, người truyền tải thông tin giữa giáo viên và học sinh.

Chị Giàng Thị Nhà, trợ giảng của trường Tiểu học Suối Giàng chia sẻ, chị rất vui khi được làm cầu nối giúp cô giáo và các em nhỏ ở Suối Giàng hiểu nhau hơn, từ đó, các em tiếp cận bài giảng nhanh hơn, tiếng Việt của các em cũng ngày một tốt hơn.

(Chị Giàng Thị Nhà trong một buổi trợ giảng tại Trường Tiểu học Suối Giàng - Ảnh: VOV)

Vài năm trở lại đây, các Câu lạc bộ cha mẹ, Ngân hàng sách truyện và các Hoạt động cộng đồng như Trại đọc, Đôi bạn đọc sách, Cộng đồng đọc sách đã góp phần thúc đẩy thói quen đọc sách, tăng cường tiếng Việt cho các em.

Từ chỗ bẽn lẽn, dụt dè, các em  đã mạnh dạn, tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt. Điều đáng mừng nhất là đến nay, 100% trẻ em dân tộc thiểu số ở Văn Chấn đã được tăng cường tiếng Việt; hơn 90% trẻ trên 5 tuổi có thể nghe, hiểu và trả lời bằng tiếng Việt.

Đây thực sự là những điểm tựa vững chắc, nâng bước chân các em trên con đường tiếp cận với từng con chữ, với nguồn tri thức./.

 

                                                                        (Thu Hà)

 

Thu Ha

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC