"Dù nghèo, vẫn cố lo cho thằng Tèo đi học"
Thứ tư, 00:00, 20/09/2017
VOV4.VN - Bên cạnh niềm hăm hở của học sinh trong năm học mới, còn nhiều nỗi lo âu của các bậc phụ huynh, nhất là những người gia cảnh khó khăn ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.


Chị Thông Thị Ngọc Thúy, ở thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cho biết, vợ chồng chị không có công việc ổn định, thu nhập chính dựa vào 2 sào ruộng. Chi tiêu tiết kiệm mới đủ trang trải ngày hai bữa ăn. Để đủ tiền trường trong năm học mới, mấy tháng qua, vợ chồng cố gắng làm thuê, xoay xở để con được đến trường.

Chị Thúy cho biết: "Nhà có hai con đi học, đứa lớn lớp 5, đứa nhỏ lớp 3. Đầu năm năm học mất gần 3 triệu tiền trường, chưa kể tiền này tiền nọ. Đã nuôi con ăn học thì mình phải cố gắng thôi. Làm ruộng rồi làm thuê làm mướn, cái gì có tiền là mình làm. Vì hai đứa con rất ham học, mà tụi nó học cũng được".

Tan trường

Số tiền 2-3 triệu đồng đối với những gia đình khá giả “không thành vấn đề”, nhưng với những gia đình nghèo khó lại là nỗi lo lớn. Chị Lư Tôn Hoàng Vương, ở thôn Bình Minh, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, chia sẻ: nhà có tôi có 2 đứa con gái đang theo học ở Trường Trung học Cơ sở Phan Hòa, nhẩm tính sơ sơ các khoản tiền phải đóng cho 2 đứa con cũng hơn 2 triệu đồng. Chưa kể các thứ khác phải mua, như: sách vở, đồng phục, quần áo thể dục, giày…

Hai vợ chồng đều là viên chức, tiết kiệm chi tiêu hằng ngày, chắt bóp mới đủ tiền lo cho con vào năm học mới: "Vào năm học mới phải chuẩn bị quần áo mới, sách vở dụng cụ học tập cho các con. Rồi vào học mình phải lo tiền học phí, tiền này tiền nọ. Ước tính mỗi đứa mất phải gần 2 triệu".

Học sinh trường Phan Hòa

Vào năm học mới, nhiều gia đình khó khăn, muốn con em không thất học lại phải oằn mình làm lụng, còn nếu không cũng phải chạy đôn chạy đáo vay mượn để mua sắm cho con đến trường. Không chỉ có gia đình của chị Thúy, chị Vương kể trên, nhiều gia đình người Chăm ở đây đều chung nỗi lo như thế.

Vợ chồng anh Bá Quốc Tuấn và chị Táo Thị Mọng Luyến, ở thôn Bình Hòa, xã Phan Hòa, suốt tháng quần quật ngoài đồng cũng chỉ kiếm được 2-3 triệu đồng. Trong khi đó, có 3 con đang độ tuổi đến trường. Anh chị cho biết: “Cố gắng mua cho 3 anh em vở và viết, còn cặp sách thì dùng lại cái cũ; sách giáo khoa, quần áo thì xin lại của người quen. Giờ làm được đồng nào tích góp nộp tiền học đầu năm cho các con”.

Vào đầu năm học mới, nhà trường ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải lo huy động học sinh đến lớp. Thầy Nguyễn Văn Liêm, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Hòa, cho biết: Năm học 2017 – 2018 này, nhà trường có 21 lớp, trên 668 học sinh. Ngày tựu trường, đến 90 em học sinh vắng mặt.

Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động, nhà trường phối hợp với các nhà hảo tâm hỗ trợ sách cũ, lập danh sách miễn giảm học phí cho các học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, con gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... góp phần chia sẻ nỗi lo toan của nhiều phụ huynh.

Thầy Liêm cho biết: "Theo văn bản chỉ đạo của cấp trên, năm 2017 này xã Phan Hòa sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, nên học sinh xã này phải đóng 100% bảo hiểm y tế. Phụ huynh xem cân đối rồi đóng cho con mình, nếu khó quá thì đóng trước 3 tháng trong năm 2017 này".

 

 

 

Jasi/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC