Hơn 20 năm dạy học, thầy giáo Mùa A Nhè, Trường Tiểu học Háng Đồng, đã 3 lần vào tăng cường dạy tại điểm trường Làng Sáng, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, mỗi lần 2 năm. Chính vì vậy, từng hòn đá, gốc cây anh đều đã quen thuộc nên mới đi xe máy được vào đây.
Vào mùa này, sương mù luôn phủ ướt, đường trơn như đổ mỡ, chỉ xe máy lốp cuốn xích mới có thể vào được. Bao giờ cũng phải đi 2 người, vì có nhiều đoạn dắt bộ, phải có người đẩy xe cùng. Những đoạn đường nhỏ hẹp, trơn trượt quá, các thầy cô giáo phải dựng xe dưới tán rừng, cuốc bộ vào trường.
Một góc bản Làng Sáng. Ảnh: baomoi.com
Thầy giáo Mùa A Nhè cho biết: Ngày đầu nhận nhiệm vụ, khoác ba lô bám gót trưởng bản đi bộ 2 ngày đường, tối mịt mới đến được bản Làng Sáng. Đến giờ, thầy vẫn chưa quên đươc cảm giác đi mãi, đi mãi, chùn hết cả chân mà vẫn đang ở giữa rừng giữa núi.
Ở đây, giáo viên cứ 2 năm thay nhau lên cắm bản ở Làng Sáng. Vào mùa khô thì tuần về thăm gia đình được một lần, còn mùa mưa, có khi cả tháng trời không về được.
Nếu không yêu nghề, yêu trẻ thì các giáo viên đã và đang miệt mài “gieo chữ” ở Làng Sáng khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ, nhất là những giáo viên Trường mầm non Háng Đồng. Bởi 100% giáo viên là nữ, nên các giáo viên của trường phải luân phiên 1 năm lên Làng Sáng. Quãng thời gian giáo viên lên Làng Sáng cũng là quãng thời gian dài phải xa gia đình, việc chăm sóc gia đình, con cái phải nhờ cả vào người thân.
Ở đây, đường chưa có, điện cũng không. Điểm trung tâm của bản may mắn có mấy bóng điện chạy bằng bộ năng lượng mặt trời. Nhưng điện chỉ thắp được vào những hôm trời nắng. Ngày mưa và nhiều sương mù, mặt trời không vén được mây, các thầy cô lại thắp nến hoặc đèn dầu để soạn bài cho ngày hôm sau.
Học sinh tới lớp. Ảnh: baomoi.com
Cô giáo Hoàng Bích Nuồn cho biết: "Đi bộ đường xa hơn 20km, mới đầu em cũng thấy nản lắm, đi bộ đau chân lắm, vào đây lả luôn. Những hôm trời mưa ngã rất là nhiều. Nhưng vào đây thì được phụ huynh, học sinh rất quý mến, giúp đỡ tận tình nên em cảm thấy ấm lòng và gắn bó với nơi này hơn".
Mặc dù bản Làng Sáng được thành lập từ năm 1988, nhưng do giao thông quá cách trở nên phải đến tận năm 1999, nơi đây mới bắt đầu có giáo viên cắm bản. Đến nay, bản đã có 5 giáo viên từ mầm non đến lớp 4. Giờ đây lên với Làng Sáng, mặc dù cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, nhưng trẻ em trong độ tuổi đều được đi học. Các em sau khi học xong lớp 4 ở bản, đều tiếp tục được theo học ngoài trung tâm xã.
Sự quan tâm thể hiện rõ khi dân bản cùng các giáo viên nơi đây góp sức, vật liệu để dựng lên lớp học, nơi ăn nghỉ cho thầy trò. Ở đây nhà nào cũng thế, người thì giúp thầy cô bằng gạo, người thì giúp mớ rau rừng, người giúp bó măng.
Chị Vàng Thị Dê nói: "Mình cho con đi học, thấy các thầy cô giáo khó khăn quá, thầy cô đã mang chữ cho con mình, thì mình giúp thầy cô có cái ăn, để dạy chữ cho các con mình thôi".
Ngày ngày, khi mặt trời tan sương, tiếng cười, tiếng hát, tiếng ê a đọc bài lại ngân vang, ríu rít trong các lớp học trên đỉnh mù sương này. Cứ như thế, những nhọc nhằn vất vả gửi lại trên những chặng đường gập ghềnh. Lòng yêu nghề, yêu trẻ lại tiếp tục được thắp lên trong các thầy cô giáo nơi vùng cao Làng Sáng.
Hồng Việt/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận