Học sinh vùng biên giới Mường Tè: cháu thích đến trường hơn ở nhà đi nương
Thứ tư, 00:00, 18/10/2017
VOV4.VN - Chưa năm học nào, Trường Tiểu học Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, Lai Châu, lại có tỷ lệ học sinh chuyên cần đông như năm nay, khi gần 250 học sinh thường xuyên có mặt ở lớp. Mặc dù nhà trường không có chế độ bán trú, điều kiện kinh tế của đồng bào còn nhiều khó khăn, nhưng các em học sinh dân tộc Cống, Mảng, La Hủ vẫn chăm chỉ đến lớp mỗi ngày.

Em Phùng Mò Dé, học sinh lớp 5, cho biết, nhà có 5 anh chị em thì cả 5 đều đi học. Về trường học chữ, được gặp gỡ bạn bè, vừa chơi vừa học nên em và các bạn ai cũng rất vui: "Từ nhà cháu đến trường xa lắm nhưng chúng cháu vẫn thích đến trường. Vì đến trường có bạn bè cùng chơi, lại được các thầy cô dạy chữ nên chúng cháu thích học ở trường hơn ở nhà đi nương".

Lớp học của các em học sinh vùng cao

Dù không có chương trình bán trú, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn, nhưng các thầy cô giáo Trường Tiểu học Pa Vệ Sủ luôn tìm cách khắc phục. Đối với công tác giảng dạy, các thầy cô luôn tìm tòi, sáng tạo, đưa các trang thiết bị gần gũi với đời sống lên lớp để các em dễ hiểu, dễ nhận biết. Ngoài giờ trên lớp, nhà trường tổ chức dạy kỹ năng sống và nhiều hoạt động thiết thực, tạo môi trường vui chơi thoải mái, gần gũi, giúp học sinh tự tin và luôn gắn bó với trường như gia đình.

Thầy Vũ Văn Viện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pa Vệ Sủ, cho biết: "Để duy trì sĩ số, sự chuyên cần đến lớp, chúng tôi thường xuyên đến từng gia đình để động viên. Ngoài việc học, chúng tôi tổ chức cho các em nhiều trò chơi dân gian, dạy các em kỹ năng sống, các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây".

Năm học 2017 – 2018, huyện Mường Tè có 51 trường, 653 lớp, 14 nghìn học sinh ở 3 cấp học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. 24/51 trường, học sinh được hưởng chế độ bán trú. Ngoài thực hiện tốt các chính sách đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức chính trị xã hội, nhà hảo tâm giúp đỡ học sinh. Nhờ đó, đời sống của các em được cải thiện đáng kể.

Bà Lý Mỹ Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè, cho biết: "Để duy trì sĩ số, thu hút các em đến trường, ngoài công tác chuyên môn, chúng tôi rất chú trọng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc các em. Mỗi thầy cô luôn phải đến sớm để chuẩn bị đầy đủ chu đáo bữa ăn cho các em".

Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành; tình thương yêu và sự tận tụy của thầy cô giáo là động lực giúp học sinh các dân tộc ở vùng biên giới Mường Tè thêm gắn bó với trường với lớp.

 

 

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC