7 giờ sáng, lớp ghép 2 và 3 của điểm trường làng Mít Kom 1, xã Ia O, huyện Ia Grai, rộn tiếng tập đọc của thầy Lê Hồng Tiến và học trò. Lớp ghép này chỉ vỏn vẹn 16 học sinh, chia thành 2 nhóm ngồi quay lưng vào nhau. Thế nhưng, nhóm nào làm việc nấy, nhóm tập đọc, nhóm còn lại vẫn cặm cụi làm các phép tính.
Lớp học được xây dựng kiên cố, đủ bàn ghế, điện, nước. Thầy giáo Lê Hồng Tiến cho biết, cách đây 7 năm, nơi đây chỉ là bãi đất trống. Được phân công về đây thành lập điểm trường, thầy Tiến cùng một vài người dân địa phương dựng tạm một lớp học chưa đầy 20m2, mái tranh, vách gỗ sơ sài. Nhưng điều đáng buồn nhất là, hầu hết người Gia rai ở đây không coi trọng việc cho con tới trường. Thầy Tiến đến từng nhà, tìm từng học trò rồi dẫn các em ra lớp.
7 năm trước, nơi đây chưa có phòng học vững chãi thế này
Chị Mang Thị Vượt, một phụ huynh, kể: “Thầy khuyên bảo cho con đến trường học đi, cho có lợi ích cho xã hội, cho con mình đi học để biết tính toán cái này cái kia, người ta khỏi nói là mù chữ. Cái gì tốt thì mình cho con mình học thôi".
Vận động học sinh tới trường đã khó, duy trì sĩ số còn khó hơn nhiều. Thầy Tiến kể, có những ngày đến lớp chỉ có 1 học trò, thầy trò lại dắt nhau vào làng, đến từng nhà, vận động từng phụ huynh học sinh. Đa số học sinh đều muốn đến trường, nhưng vào mùa rẫy, nhiều phụ huynh muốn giữ con ở nhà phụ việc nấu cơm, trông em, thậm chí lên rẫy làm công việc đồng áng.
Ban đầu, thầy Tiến phải nhờ người phiên dịch lời mình, nhưng sau, thầy Tiến học tiếng Gia rai. Thầy nhờ thêm sự giúp sức của già làng, trưởng thôn, đoàn viên cùng vận động phụ huynh, nói cho dân làng hiểu lợi ích của việc cho con tới trường. Mưa dầm thấm lâu, nhà nào cũng cho con đi học.
Thầy giáo Lê Hồng Tiến vui mừng cho biết, hiện nay, sĩ số các lớp học tại điểm trường luôn đạt 100%. "Đi lại rất vất vả, hầu như là phải đi vào đường rẫy. Có khi hơn 1 giờ rồi, các em quên thời gian đi học, có khi phải xuống suối gọi em về đi học. Điều đó thường xuyên xảy ra. Một, hai năm này, trường hợp đó hết rồi. Mình tự khuyên mình là đã yêu nghề, chọn nghề là phải khắc phục mọi khó khăn, gian khổ và quan trọng nhất, mình coi học sinh như các con em mình, thì các em sẽ coi mình như trong gia đình, như người cha, người mẹ thôi” - thầy Tiến bảo.
Lòng yêu nghề, mến trẻ và cách duy trì sĩ số của thầy giáo Lê Hồng Tiến đã truyền cảm hứng cho nhiều thầy cô tại trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc. Ông Phạm Văn Đại, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai, cho biết, ngành giáo dục huyện Ia Grai đã tổ chức chia sẻ rộng rãi kinh nghiệm duy trì sĩ số của thầy Lê Hồng Tiến tới đội ngũ giáo viên toàn huyện, nhất là giáo viên giảng dạy tại vùng dân tộc thiểu số.
Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận