Áo cóm em lên nương
Ngàn sắc hoa bừng nở
Áo cóm em xuống chợ
Núi rừng ngả nghiêng theo…
Có lẽ, vẻ đẹp của chiếc áo cóm xinh xinh tôn thêm nét duyên của các cô gái Thái đã đem đến những rung cảm khiến nhạc sỹ Huy Thông viết nên ca khúc: “Áo cóm yêu thương”. Và nếu bạn được nghe câu chuyện tình đẹp gửi trên tà áo ấy, hẳn sẽ yêu hơn bộ trang phục của người Thái đen vùng Tây bắc này.
Bộ trang phục của người Thái đen Sơn La
Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Thái đen Tây bắc gồm áo ngắn, váy đen, thắt lưng, khăn piêu và bộ xà tích bạc. Chiếc áo ngắn hay còn được gọi là áo cóm, cổ đứng, thân áo vừa chấm thắt lưng, ôm trọn vòng eo nhỏ nhắn. Nổi bật trên chiếc áo ấy là hàng cúc bướm bạc, mà cúc bướm ở đây đều có đôi.
Tích xưa kể rằng, trong bản người Thái có một đôi trai tài, gái sắc yêu nhau. Ngặt nỗi chàng trai nghèo nên không được bố mẹ cô gái cho phép. Chàng quyết tâm đi buôn và hẹn ước khi đủ tiền, đủ bạc sẽ về cưới người yêu. Ở nhà, cô gái bị cha mẹ ép gả cho người giàu có, nàng bèn tìm đến lá ngón quyên sinh. Nhận hung tin, chàng trai trở về đau đớn tìm gặp mặt người yêu lần cuối.
Tại huyệt mộ, khi mọi người chuẩn bị đưa nàng xuống, chàng đưa hai tay nắm hai vạt áo người yêu. Cùng lúc, nắp quan tài đóng sập xén đứt hai vạt áo. Nước mắt lưng tròng, chàng đưa hai vạt áo lên hôn thắm thiết. Bỗng dưng, hai vạt áo biến thành hai con bướm bay đi.
Những người thợ lành nghề chạm bạc đã tạo khuôn đúc bướm. Các bà, các mẹ đã khâu chúng lên áo làm cúc để tỏ lòng thương tiếc cho câu chuyện tình buồn. Từ đó, trên áo cóm của người con gái Thái luôn có hai hàng khuy bướm bạc và thường là 12 đôi khuy bướm bạc.
Người Thái xưa mặc váy bằng vải tự dệt. Chiếc váy đen dài đến gót chân quấn sát, càng tôn thêm vóc dáng của người con gái. Chiếc váy của phụ nữ Thái đen vùng Tây Bắc chỉ một màu đen và tuyệt không hoa văn, nhưng váy của các nhóm Thái khác nhau lại khác nhau. Chân váy của người Thái trắng ở Nghệ An thêu nhiều hình thù khác nhau: hình ông mặt trời, con rồng, con voi...
Và điều đặc biệt là con gái Thái luôn để tóc dài. Điều đó không chỉ là làm đẹp mà còn liên quan đến phong tục của người Thái dù sinh sống ở bất kỳ nơi đâu. Theo quan niệm của người Thái đen: cắt tóc giống như cắt một phần vía của mình. Vì vậy, họ phải để lại tóc để t khi người con gái Thái đi lấy chồng sẽi búi lên cao
Như vậy, mái tóc không chỉ điểm trang cho gương mặt, mà còn là minh chứng cho sự trưởng thành của mỗi người con gái Thái.
Thu Cúc/VOV4
Viết bình luận