Chiếc ghè thiêng của người Gia rai
Thứ ba, 00:00, 27/12/2016 Pbt 1 ảnh Pbt 1 ảnh

(VOV4) - Chiếc ghè rượu, với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, quý giá không chỉ ở giá trị vật chất mà vì nó được sử dụng cho mục đích giao tiếp với thần linh. Chiếc ghè có mặt trong lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, trong các dịp sinh hoạt cộng đồng. Khi chết đi, chiếc ghè cũng theo con người sang thế giới bên kia.





 

Người Gia rai theo tín ngưỡng đa thần, nên những dụng cụ được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong lao động sản xuất thường có hình bóng của Giàng. Họ tin rằng Giàng ngự trong những chiếc ghè thiêng, luôn đồng hành, hỗ trợ họ về mặt tinh thần.


“Ghè” hay “ché”, một số nơi còn gọi là “chóe”, chủ yếu là để ủ và chưng cất rượu cần. Theo Tiến sỹ Bùi Ngọc Quang, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, thì chỉ cần nhìn vào số lượng những chiếc ghè của mỗi gia đình người Gia Rai là có thể nhận biết được sự giàu nghèo của chủ nhà:


"Ghè là một bình bằng gốm đựng rượu thôi, chia ra ché túc, ché tang. Ghè quý  mua bằng 5-7 con trâu, nó là tài sản thể hiện sự giàu có, quyền lực.  Họ cho rằng có Giàng ẩn tàng trong đó. Giàng ấy không chỉ cai quản chất lượng của rượu, mà còn ảnh hưởng đến cả đời sống tinh thần, tâm linh, tình cảm của gia đình, cộng đồng. Cho nên họ chia ra loại ghè nào quý, cái nào không quý. Ghè quý thì làm rượu ngon và trong các nghi lễ quan trọng, còn ghè bình thường thì làm rượu bình thường".


Hình dáng và kiểu cách mỗi chiếc ghè một khác, mỗi chiếc ghè đều có ý nghĩa riêng của nó. Có thể kể đến ghè vợ chồng, ghè mẹ bồng con và nhiều loại khác nữa, thể hiện những nét văn hóa dân gian cùng những tín ngưỡng của đồng bào. Từ trong ý niệm của người Gia Rai, những gì tinh túy, là giá trị thì vật chứa đựng cũng phải là vật thiêng và cũng rất quý giá.


"Người ta cho rằng đây là ghè quý thì họ làm nguyên li,ệu đặc biệt hơn và cách làm cẩn thận hơn, bỗng nhiên ngon hơn. Nó ngon ở chất liệu cũng có, nó ngon ở ý thức làm nên rượu trong ghè đấy. Ghè bình thường thì làm rượu sắn, đứa con không giỏi lắm nó làm. Ghè quý phải bà chủ  làm cơ, phải là hạt gạo, hạt kê, rượu đặc sánh như mật ong. Họ thường dùng vật liệu ngon nhất và người làm giỏi nhất để làm rượu ở cái ghè giá trị nhất".

 

Ché tang là loại ché quý, chỉ những gia đình giàu có mới mua nổi. Ngày xưa, một chiếc ché tang trị giá nhiều con trâu

 

Các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và người Gia Rai nói riêng, cả cuộc đời gắn liền với rượu cần. Bà con còn nói rằng: cơm gạo có thể thiếu nhưng rượu cần thì không bao giờ ngừng chảy. Bà con dùng những ghè rượu ngon nhất cho những nghi lễ ở cộng đồng, ở gia đình. Ghè rượu ấy còn được tưới lên nấm mồ cho những người quá cố. Cuộc sống của họ bình đẳng ngay cả khi chết. Những vật dụng quý như cồng chiêng đến những chiếc ghè thiêng cũng vậy, đều được chia đều.


Ví dụ, nhà có 3 ghè quý thì người chết được một cái, thì người chết sẽ mang theo. Khi người chết được chôn xuống mộ thì người ta sẽ chia của, bởi chết không phải là hết, người ấy đến sống ở một làng khác, thế giới khác thì hãy mang ghè sang bên đó dùng.

 

Người Tây Nguyên quan niệm mọi sự trái ngược nhau giữa hai thế giới của người sống và người chết. Người sống là lành, người chết là vỡ; người sống là ban ngày thì người chết là ban đêm. Vì vậy, những đồ chia cho người chết đều phải đập vỡ.


Những chiếc ghè quý giá là thế, nhưng do xu thế, đang dần mai một trong đời sống của một bộ phận bà con Gia Rai. Ngày nay, muốn mua xe máy, người ta có thể bán ghè. Rượu cần ngon thật đấy, nhưng lâu công, nên thay bằng bia, rượu trắng. Cùng với quá trình phát triển, những vật thiêng như cồng chiêng hay ghè cũng nhạt thiêng dần.

 

 

 

Việt Phú/VOV4

Pbt 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC