Chú rể không được chạm mặt cô dâu
Thứ hai, 00:00, 26/12/2016 P bt P bt

(VOV4) - Khi tổ chức đám cưới, người Dao thường có tục nhập khẩu cho con dâu mới về nhà chồng. Người Dao quần chẹt ở Ba Vì cũng vậy, nhưng khi đón dâu, chú rể buộc phải đi trốn; sính lễ chú rể đem đến xin dâu nhất định phải có 60 cặp bánh rán!

 

Sính lễ trong đám cưới của người Dao ở Ba Vì, Hà Nội, trước đây buộc phải có bạc trắng, nhiều trâu bò lợn gà, bánh rán. Hiện tại, việc thách cưới bằng bạc trắng không còn bắt buộc, nhưng sính lễ nhất định phải có 120 chiếc bánh rán, tức là 60 cặp.

 

Ông Lý Văn Phủ, người am hiểu phong tục của người Dao ở Ba Vì, cho biết: "Ngày xưa chỉ các cụ hay nói đẻ con gái nhiều thì được ăn bánh rán nhà trai đem đến, nếu đẻ con trai thì ông bà thiệt thòi không được ăn bánh rán chỉ làm cho người ta ăn thôi chứ mình không được ăn! Bây giờ thì vẫn có nhưng chỉ là hình thức thôi, không cứ là bao nhiêu, miễn phải có bánh rán để cúng ông bà ông vải là được.

 

Người Dao quần chẹt. Ảnh: KT

 

Khi đi đón dâu, chú rể vẫn đi, nhưng khi về gần đến nhà mình, bắt buộc chú rể phải đi trốn, không được chạm mặt khi cô dâu bước vào cửa nhà mình. Ông Lý Sinh Vượng, ở thôn Yên Sơn, lý giải: "Khi làm lễ tơ hồng thì mới gặp nhau, làm như thế để tránh xung khắc, để cho nó hòa thuận thôi".

 

Sau khi đón dâu về, nhà trai sẽ tổ chức làm lễ tơ hồng và nhập khẩu cho cô dâu mới. Ông Lý Văn Phủ nói: "thường, cô dâu chưa đến nhà thì người ta đã làm lễ nhập khẩu rồi. Chờ con dâu đến nhà, người ta tiếp tục trình báo với tổ tiên. Cô dâu về thì trải chiếu cho ông thầy làm lễ tơ hồng để gắn ghép vợ chồng, trình ông bà ông vải là người này về làm dâu nhà mình, cho vợ chồng hòa thuận ăn ở với nhau có đức có hiếu với hai bên gia đình, sinh con đẻ cái có trai có gái, phúc lôc đạt được nhiều".

 

Người Dao không có phong tục cha đưa mẹ đón mà chỉ có anh em họ hàng đi đón dâu. Người Dao kiêng kỵ bố mẹ không ra khỏi cửa từ khi con dâu bắt đầu thắp hương để đi sang nhà chồng. Người Dao làm thế để con mình được trường thọ.

 

Sáng hôm sau, cô dâu mới phải thức dậy thật sớm, bưng nước nóng cho bố mẹ chồng rửa mặt và nấu một bữa cơm mời bố mẹ và gia đình nhà chồng. Người Dao nói đây là bữa cơm hòa thuận, gắn kết gia đình, rằng từ nay gia đình có thêm một thành viên mới.

 

 

 

Hoài Thu/ VOV4

P bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC