(VOV4) - Người Mông ở Kỳ Sơn, Nghệ An, quan niệm đàn ông sau khi được đặt cái tên thứ 2 mới được cộng đồng công nhận là đã trưởng thành. Vậy điều kiện để làm lễ trưởng thành là gì?
Người
Mông làm lễ đặt tên mới không phụ thuộc vào độ tuổi. Điều kiện đầu tiên là người
đàn ông đó đã lập gia đình và có con. Để thực hiện nghi thức đặt tên thứ 2, gia
đình phải chọn một ngày đẹp, mời bà con làng bản cùng họ hàng hai bên thông gia
đến chứng kiến; chuẩn bị hai con gà để làm lý báo cáo tổ tiên, 1 con
lợn to và rượu để tiếp đãi khách. Quan
trọng nhất trong lễ này là phải có sự hiện diện bố mẹ vợ
vì chỉ có họ mới được quyền đặt cho anh ta cái tên mới.
Anh Vừ Bá Mùa, công tác ở Phòng \nghiên cứu sưu tầm, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An, cho biết việc mời bố mẹ vợ thường được giao cho 2 người đứng tuổi am hiểu phong tục tập quán:
- Hai người phải sang nhà vợ để mời, vì mình sang bên vợ là cũng có vợ có chồng. Hai người đó ít nhất khoảng 30, 40 tuổi trở lên, phải là người am hiểu, nói năng khôn khéo, thuyết phục nhà vợ sang để tiến hành nghi lễ này cho người đàn ông. Mình sang mời là họ vẫn chưa đồng ý, mà họ nói xem con cái của họ đã làm như thế nào, về nhà chồng làm ăn ra sao. Bên nhà nội phải thuyết phục nhà ngoại đến bằng được. Khi đã thuyết phục được rồi, nhà ngoại mới đến tiến hành lễ.
Chỉ bố mẹ vợ mới được đặt tên thứ hai cho người đàn ông Mông. Ảnh minh họa:dantri.com
Sau khi bố mẹ vợ đến nhà, hai bên thông gia sẽ bàn bạc, chọn một cái tên mới cho con rể. Việc chọn tên mới không theo quy tắc nào, chỉ cần con rể ưng cái tên mới là được. Nếu con rể muốn giữ lại tên cũ, bố mẹ vợ sẽ chỉ đổi lại tên đệm. Theo anh Vừ Bá Mùa, đến vùng người Mông ở Kỳ Sơn, nói riêng hay Nghệ An nói chung, chỉ cần nghe tên đệm là biết người đàn ông đó đã làm lễ trưởng thành hay chưa.
- Theo tên gọi của người Mông, thì người con trai chưa vợ dùng tên đệm là Bá là chủ yếu. Khi người đàn ông đó đã có vợ con thì đặt một tên đệm mới. Mà đa phần họ lấy tên thể hiện tình đoàn kết hoặc sự yêu thương của hai bên gia đình nội ngoại. Ví dụ như là Nỏ, Giống, Và, Trá… Ví dụ Lỳ Trá Sử hoặc Vừ Nỏ Mùa, Lầu Nỏ Tu, Hờ GIống Lỳ.
Sau
khi chọn được tên mới, gia đình đằng nội sẽ làm lý báo cáo tổ tiên. Xong xuôi,
hai bên gia đình cùng bà con làng xóm cùng nhau ăn bữa cơm thân mật. Cuối ngày,
người đàn ông sẽ biếu bố mẹ vợ một nửa con lợn lễ kèm chút tiền thể hiện sự yêu
thương và lòng biết ơn.Lễ
đặt tên mới là nghi thức vòng đời bắt buộc của đàn ông dân tộc Mông, khẳng định
người đó đã có cuộc sống riêng và đã trưởng thành, biết lo toan cuộc sống, vun
vén hạnh phúc gia đình.
Ông Lý Bá Bì, ở bản Huổi Mú, xã Huối Tụ, huyện Kỳ Sơn, cho biết chỉ khi làm các công việc liên quan đến giấy tờ hành chính, ông mới dùng tên Lỳ Bá Bì, còn bà con làng bản biết đến ông với cái tên Lỳ Nhia Bì:
- Nếu mà mình không thương con gái họ, kiểu mình hay đánh đập, nạt nộ, nhác lười không làm, thì bố mẹ vợ không muốn đặt tên đâu. Đặt tên thứ 2 là để bộ mặt mình, con người mình là có giá trị cho cả làng, cả xã; người già, người trẻ thấy là có tên già rồi, cái anh ni làm cha làm mẹ. Già mà không có tên thứ 2 là không được rồi. Đi đến đâu là họ bảo thằng đó không có tên mô.
Hoàng Minh/VOV4
Viết bình luận