(VOV4) - Lễ ăn trâu mừng lúa mới của người Mạ ở Lâm Đồng được tổ chức khi cả buôn thu được một nghìn gùi lúa trở lên. Nếu mùa màng bội thu liên tục thì hàng năm đều có lễ hội. Ngược lại, mất mùa liên tục thì nhiều năm buôn không tổ chức ăn trâu mà chỉ mừng lúa mới trong quy mô gia đình, dòng tộc, với vật hiến sinh là gà hoặc heo.
Người Mạ ở Lâm Đồng tin rằng mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, con người mạnh khoẻ đều do thần linh phù hộ (Giàng cho). Vì thế, sau mỗi mùa rẫy, người Mạ đều tổ chức lễ cúng Thần. Lễ cúng không thể thiếu con vật hiến sinh để tạ ơn và cầu xin thần linh tiếp tục che chở, phù hộ cho con người, đồng thời cũng để ăn mừng được mùa lúa mới. Nghi lễ này được tổ chức quy mô lớn nhỏ khác nhau: trong một gia đình, một dòng họ hay là cả buôn. Con vật hiến sinh trong nghi lễ thể hiện quy mô của lễ cúng. Lễ ăn trâu là lớn nhất, có sự tham gia của cả buôn làng.
Hoạt động chính của lễ ăn trâu mừng lúa mới chỉ diễn ra trong khoảng 3 ngày, nhưng việc chuẩn bị đã bắt đầu trước đó cả tháng với hoạt động đầu tiên, theo cách nói của người Mạ là "kích năng hẹn Giàng". Việc hẹn Giàng được hội đồng già làng tổ chức tại nhà của vị già làng đứng đầu buôn, bên tố (ché) rượu cần, cây nêu và bếp lửa. Ngoài các lễ vật như: gà, cá suối, đọt mây, rau nhíp, người ta còn chuẩn bị một thanh lồ ô cỡ ngón tay, dài khoảng 2 gang, gọi là năng.
Già làng đứng trước cây nêu thổi 3 hồi tù và mời thần linh và dân làng đến dự
Theo lời già làng K’Bôi, cây năng sẽ được bẻ thành nhiều khúc nhưng không gãy rời. Qua một ngày, người ta ngắt bỏ đi một khúc (gọi là kích năng), đến khi hết cây năng là đến ngày tổ chức ăn trâu.
Ông Nguyễn Huy Cao, Trung tâm văn hóa thể thao và du lịch huyện Cát Tiên, giải thích: “Cây năng vừa là tín vật định ngày với Giàng, vừa là thước đo thời gian đếm ngược đến ngày lễ chính. Xưa, người Mạ không có lịch. Người xưa họ kích năng là còn 10 ngày họ bẻ 10 khúc. Mỗi ngày họ vứt một khúc, đến 2 khúc cuối cùng, là ngày mai ăn trâu. Bẻ khúc thứ 2 sau cùng thì là đi chặt đọt mây. Ngày vứt cái cuối cùng đi là ngày ăn trâu”.
Đến ngày tổ chức nghi thức hạ trâu cúng Giàng, từ sáng sớm, bà con đã tập trung đông đủ. Già làng chủ lễ đem ra một tố rượu cần mời các già làng cùng uống, đồng thời trao cho họ xà gạc và lao để hạ trâu. Rượu cạn, mọi người bắt đầu hưng phấn, mọi người cùng ra sân, đến vị trí cột trâu. Già làng chủ lễ bày ra một tố rượu cần, đồ ăn, bầu nước, một con gà sống, rồi khấn xin Giàng về ăn trâu; dùng máu gà bôi lên cây nêu, cây buộc trâu, xà gạc, lao, đầu trâu, đầu của những người được chọn để đâm trâu. Việc này thể hiện sự giao cảm giữa con người với thần linh.
Nghi lễ đâm trâu ở Tây Nguyên. Ảnh: baomoi.com
Khấn xong, trong tiếng cổ vũ của dân làng, trong tiếng chiêng, tù và thúc giục, già làng mời người được giao hạ trâu cầm xà gạc chặt một chân sau của con trâu, già làng chủ lễ chặt chân còn lại. Người cầm lao thừa thế đâm một nhát vào cổ trâu sao cho trúng tim để con trâu chết ngay lập tức. Khi con trâu gục xuống, người ta đặt lên mình trâu một chiếc chiêng, một tấm thổ cẩm lớn, với ý nghĩa chiêng để trâu gối đầu, thổ cẩm để đắp trâu, đồng thời hát lên bài khóc trâu.
Ông Nguyễn Huy Cao cho biết: “Lấy chiêng cho trâu gối đầu và đắp cho trâu tấm vải thổ cẩm và khóc trâu, thương xót nó từ nay không được ăn uống nữa. Trong bài khóc đó, người Mạ nói rõ là con trâu này được đi về với Giàng và thực hiện một sứ mệnh thiêng liêng. Dân làng sẽ biết ơn con trâu này. Người Mạ, khi hiến sinh một con vật để cảm ơn Giàng, thì họ đối xử với con vật này như với một con người”.
Theo tiến sĩ Ngọc Lý Hiển, Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Lâm Đồng, nét nhân văn trong cách ứng xử với vật hiến sinh của người Mạ còn được thể hiện ngay từ những thao tác hạ trâu tưởng như rất dữ dội: “Người Việt thấy người ta dùng lao đâm thì gọi đâm trâu. Nhưng thực tế họ dùng một từ cực kì văn hóa là sa rpu, tức là ăn trâu. Và họ dùng một từ rất hay nữa là sre yu, là chặt chuối. Khi người ta chặt 2 chân sau của con trâu, mục đích là để nó khỏi lồng lên, nó khỏi chạy. Dành cho thần mà, ai lại đâm chém. Huyết trâu sau đó được bôi lên nhà, các vật dụng, cũi thóc, tố rượu cần… Đây là lúc mọi người khấn Giàng cho mùa sau gặp may mắn, tốt lành. Con trâu sau đó được xẻ thịt nướng ngay, rồi chia cho mọi người cùng ăn. Cả buôn làng rộn ràng tiếng tiếng cồng chiêng, kèn bầu, cùng những lời hát kể của người già đến tận ngày hôm sau”.
Già làng K’Bôi kể: “Tất cả bà con mình ăn bữa đấy, còn dư là chia nhau, ăn vui ăn vẻ. Còn tố rượu cần nào là già làng, thanh niên, con cháu tập trung uống, kể chuyện. Năm nay mình ăn một con trâu, năm sau là mong Giàng cho lại 1000 gùi lúa để chúng tôi ăn thêm con trâu nữa”.
Lễ ăn trâu mừng một nghìn gùi lúa kết thúc bằng việc lọc thịt đầu trâu hiến sinh ra nấu cháo, rồi chia cho mỗi người một ít cùng ăn để cầu may mắn. Xương đầu trâu được treo lên ban thờ Giàng trong nhà dài của già làng, hoặc cũng có thể cưa sừng ra để làm tù và.
Ngoài nghi thức chính, từ lúc hẹn Giàng đến khi hạ trâu, người Mạ còn thực hiện rất nhiều thủ tục khác như quyên góp vật phẩm phục vụ lễ hội, đi mời khách, đón khách, dựng nêu…v…v. Mỗi hoạt động hoàn thành đều phải làm lễ cúng thông báo cho Giàng.
Hoàng Minh/VOV4
Viết bình luận