Lễ nhập Kut của người Chăm ở Ninh Thuận
Thứ sáu, 00:00, 14/10/2016

(VOV) - Với người Chăm ở Ninh Thuận, văn hóa, tín ngưỡng thể hiện rõ nét nhất trong nghi lễ tang ma. Người Chăm bàlamôn khi chết thì làm lễ hoả táng, chỉ giữ lại 9 miếng xương vùng trán để sau này làm lễ nhập Kut. Khi bộ xương trán được đưa vào Kut thì linh hồn người chết được hóa kiếp, về với tổ tiên.

 

Người Chăm ở Ninh Thuận, nhóm Chăm Ahier (Chăm Bàlamôn, còn gọi là Chăm bà chăm), khi qua đời được chôn cất ở một nơi gọi là Ghur. Hàng năm vào tháng 9 Hồi lịch, người dân đến làm lễ tảo mộ và bắt đầu lễ hội Ramưwan. Trong khi đó, người Chăm Ahier khi qua đời sau khi chôn hơn một năm, hài cốt được lấy lên làm lễ hỏa táng và giữ lại 9 mảnh xương trán để đem làm lễ nhập Kut.

 

Người Chăm có câu tục ngữ: “Daok hadiuk ngak mbang ka urang/Metai nao ba talang ka amaik” - có nghĩa là: “ Còn sống thì tạo ra của cải cho người dưng/Đến khi chết đi thì mang xương về trả cho mẹ”.

 

Những hộp xương trán của người đã khuất tập hợp lại chuẩn bị đưa vào Kut

 

Hình tượng trong Kut Chăm là những tảng đá hình tròn, không vết tì xước, được lấy ở sông, suối. Để mang được đá về làm lễ, các vị chức sắc Chăm phải cúng xin phép thần linh. Nghi lễ này mang ý nghĩa lá rụng về cội. Người Chăm ở Ninh Thuận, nhóm Chăm Bàlamôn, quan niệm lúc sinh thời có thể sinh sống ở bất kỳ nơi nào, nhưng khi chết đi phải về với gia đình, dòng tộc, xóm làng. Tộc họ nào không có nhà Kut sẽ bị dân làng mỉa mai, chê cười là không có tổ tông. Đây là một phần nghi lễ trong chế độ mẫu hệ của dân tộc Chăm.

 

Để tiến hành nghi lễ nhập Kut, bên gia đình vợ có trách nhiệm mang klaong (tức cái hộp đựng hài cốt) về bàn giao cho dòng tộc bên chồng. Tất cả các klaong được khiêng đi trên kiệu đến Kut để tiến hành nghi thức Patrip.  Các tộc họ phải hội tụ được 15 – 30 hộp klaong thì mới tổ chức lễ nhập Kut. Khoảng thời gian này mất từ 5 đến 10 năm, do đó đây được xem là nghi lễ quan trọng.

 

Gia đình chuẩn bị đồ cúng để làm lễ

 

Ông Bá Văn Hổ, trưởng tộc họ Ber ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Năm 1984, tộc họ có thực hiện lễ một lần. Đến năm nay, tính theo lịch Chăm là 33 năm thì tộc họ này mới làm lại. Đợt này, tộc họ phải nhập Kut cho 36 vị, với 5 thế hệ gồm ông, bà, con, cháu và chắt trong tộc họ”.

Theo sư cả Hán Văn Dậu ở thôn Hữu Đức: Các nghĩa địa người Chăm, gọi là "Kut”, thường nằm cách xa làng nên đoàn người phải di chuyển qua nhiều đoạn đường. Điều kiêng kị là không được dùng xe để chở các kiệu klaong mà phải đi bộ. Khi đến nghĩa địa, các kiệu klaong được xếp ngay ngắn theo thứ bậc, thành phần xã hội… Kut được rào và ngăn làm hai, một bên là dành cho những người chết lành, như không bị tật nguyền, bệnh tật và không lấy người ngoại tộc; bên còn lại dành cho người chết xấu, như chết ngoài đường, cơ thể bị tật.

 

Thông thường, Kut của người Chăm có 6 tảng đá (mỗi tảng đá biểu trưng cho 1 dòng tộc, cho giới tính). Các hộp klaong sẽ được một vị chức sắc làm lễ tẩy uế và tắm rửa sạch sẽ, sau đó ghi tên nhằm tránh nhầm lẫn và tuân theo thứ tự từ lớn đến bé.

 

Những tảng đá biểu trưng cho Kut của người Chăm Bàlamôn

 

Khi các nghi thức xong xuôi, các mảnh xương trán lại được đặt cẩn thận trong hộp  klaong  để chuẩn bị nghi thức quan trọng. Vào lúc 0 giờ, vị chức sắc cao nhất là Pô Sà sẽ làm nghi lễ linh thiêng này. Lúc này chỉ có vị chức sắc và người dòng tộc được tham gia lễ. Lễ diễn ra vào đêm khuya, vì đó là lúc Pô Dhi hóa thân thành thần Siva, dẫn linh hồn người đã khuất về với dòng họ, tổ tiên và đến với thế giới vĩnh hằng, kết thúc một vòng đời của người Chăm.

 

Sư cả Hán Văn Dậu cho biết: “Người bình thường thì được phép nhập Kut 3 ngày 3 đêm, còn những người không bình thường thì chỉ làm 1 ngày thôi, nhập vào Kut Hier (tảng đá bên ngoài Kut lớn). Thông thường 1 cái Kut có 6 tảng đá (mỗi tảng đá biểu trưng cho một dòng tộc, một giới tính). Trong đó, 3 tảng đá chính, 1 là dành cho Pô Dhi (thần quản lý Kut), 1 tảng đá dành cho đàn ông, 1 tảng đá dành cho phụ nữ, xếp thẳng hàng; 2 tảng đá phụ (dành cho người chết xấu) xếp hơi lệch; 1 tảng đá cho người canh giữ Kut (ông That).


Nhập Kut là lễ nghi cuối cùng của các nghi lễ vòng đời. Sau lễ này, người Chăm tin là linh hồn người quá cố đã về với tổ tiên. Người Chăm Bàlamôn thì cho rằng Kut là nơi cư ngụ của tổ tiên (On Proh) và được phụng thờ, là nơi làm các nghi lễ cầu cúng của gia đình và tộc họ trong các dịp lễ hội Katê hàng năm

 

 

 

Thúy Linh/VOV-TPHCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC