Mời ma ông bà đi để đón ma bố mẹ về
Thứ hai, 00:00, 09/01/2017 P bt P bt

(VOV4) - Người Xinh mun quan niệm con người có nhiều hồn. Sau khi chết, một phần hồn sẽ lên mường trời, một phần về với tổ tiên, một phần hồn về nhà con cháu, ngụ tại nơi thờ ma nhà. Nhưng nơi thờ ma nhà chỉ thờ linh hồn bố mẹ. Vậy nên khi bố mẹ qua đời, con cháu sẽ làm thủ tục mời ma ông bà đi, nhường chỗ cho ma bố mẹ.



 

Ông Vì Văn An, ở bản Nà Pàn, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, kể lại, theo tập quán của người Xinh mun, khi trong nhà có người nằm xuống, con cháu sẽ lập tức thông báo cho họ hàng làng bản (trước đây, họ bắn một phát súng lên trời để báo hiệu). Nếu người chồng mất, vợ buông tóc chạy ra sàn phơi kêu gọi trời đất, thông báo với trời đất nhà vừa có người qua đời rồi chạy vào bếp đạp đổ ông đầu rau, trách ma bếp không phù hộ. Sau đó, con trai cả sẽ làm phép báo hiệu cho linh hồn ông bà rời đi, nhường chỗ cho linh hồn bố mẹ.

 

"Bố mẹ mình tắt thở, mình lấy 3 viên gạch kê để nấu cơm ném vào buồng ma. Bây giờ thì có kiềng rồi, vẫn giữ gạch để lúc ấy ném vào. Lấy dao chém vào cái cột ấy, để đuổi ma ông cụ đi, mình mới bảo bố mẹ mình lên" - ông An bảo.

 

Việc thông báo hoàn tất, con cháu lau rửa cho người quá cố bằng nước đun với lá thơm rồi khâm liệm. Thi hài được quấn kỹ bằng vải trắng. Đồng thời, gia đình tang chủ sẽ nhờ người đi chọn nơi chôn cất. Đến rừng ma (là nơi chôn cất người chết của bản), người chọn đất sẽ khấn hỏi người chết rồi thả quả trứng gà sống lăn từ trên dốc xuống. Quả trứng vỡ ở đâu tức là người chết đồng ý được mai táng ở đó. Nếu thả 3 lần mà trứng không vỡ thì phải đi chọn đất ở chỗ khác.

 

Khâm liệm xong, tang chủ sẽ mời thầy mo về làm lễ cúng chia của cho người chết rồi dẫn đường cho người chết sang thế giới bên kia.

 

Phó giáo sư Trần Văn Bình, khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, trường Đại học Văn Hóa Hà Nội, cho biết, người Xinh mun quan niệm con người khi sống trên trần gian có rất nhiều tội. Đến lúc chết sẽ có quỷ dữ đến bắt giam vào địa ngục. Phải có các thầy mo, là người có phép thuật, cai quản âm binh, mới bảo vệ được linh hồn người chết đi chuộc tội:

 

"Họ dẫn đi rửa tội. Thí dụ người vừa chết, con gà, con lợn kiện với then trên trờ rằng ông này dưới trần gian giết chóc nọ kia. Thế thì then mới lập phiên tòa để xử kiện. Nếu ông này thắng, thoát được tội thì mới được đầu thai làm kiếp người mới, không thì bị đày xuống địa ngục. Thầy còn dẫn đến đẳm của tổ tiên, nơi những người trong gia đình dòng họ đã chết về mường đó ở. Người ta dẫn đi bằng các bài khấn. Trước tiên, thầy mo giải thích cho người chết rằng người chết rồi, phải đi về với tổ tiên, không được ở nhà nữa. Sau đó, thầy mo liệt kê tài sản trong nhà, hướng dẫn linh hồn người chết chuẩn bị đồ đạc để lên đường".

 

Theo phó giáo sư Trần Văn Bình, phần lớn người Xinh mun trước đây không biết chữ. Họ không lưu giữ lại được các tác phẩm văn học dân gian liên quan đến tâm linh. Bởi vậy, các bài mo dùng trong tang ma ngày nay đều vay mượn của người Thái, nhưng có đôi chút thay đổi cho phù hợp. 

 

"Các bài mo, họ đọc như hát, gọi là khắp, khắp bằng tiếng Thái. Thầy mo dẫn linh hồn người chết từ chỗ Chiềng Om, Phiêng Pằn, Mai Sơn, Chiềng Sơ (Điện Biên) ra sông Đà. Sau đó mới ngược sông Đà. Khác với người Thái. Người Thái là dẫn xuống sông Đà, sang Mường Lò, Nghĩa Lộ, rồi dẫn về quê hương tổ tiên. Đó là sáng tạo của các thầy mo. Bởi vì họ thấy nguồn gốc của người Xinh mun không phải Mường Lò, Nghĩa Lộ mà ở biên giới Việt-Lào. Chỉ cái đó là khác, còn tất cả bài cúng giống người Thái 100%".

 

Nghi thức làm mo dẫn đường kết thúc, một phần linh hồn người chết đã ở lại Mường Trời, một phần ở lại mường tổ tiên, phần còn lại được đưa về huyệt. Các thủ tục cúng lễ hoàn tất, người chết được con cháu mai táng.

 

Ngay đêm đầu tiên sau khi mai táng, người con trai cả sẽ ra gần mộ, ném hòn đá vào mộ báo hiệu cho linh hồn bố hoặc mẹ theo mình về nhà và lập nơi thờ cúng.

 

 

Hoàng Minh/VOV4

P bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC