Mỹ Nghiệp - làng dệt cổ nhất Đông Nam Á
Thứ năm, 00:00, 18/05/2017 Thu Hòa biên tập bài Thu Hòa biên tập bài

VOV4.VN - Làng Chăm Mỹ Nghiệp, còn gọi là làng Chăm Irahani, thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, được xem là làng nghề thổ cẩm truyền thống cổ nhất Đông Nam Á. Dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp, nghề “mẹ truyền con nối”, phải chăng xuất phát từ nhu cầu may mặc, trang trí, làm đẹp của cộng đồng dân cư thời văn hóa Sa Huỳnh, yêu cầu của cung đình và tôn giáo Chăm?

Nét độc đáo nhất ở làng Chăm Mỹ Nghiệp là người dân dệt vải theo phương pháp thủ công truyền thống, bảo lưu gần như nguyên vẹn các công đoạn từ xa xưa như: tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm màu, đánh ống, bắt go…

 

Theo anh Lưu Bá Truyền, trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm, mắc sợi là phức tạp nhất, nên những người có kinh nghiệm mới đảm trách được công đoạn này. Tuỳ theo loại khung ngắn và khung dài, người thợ mắc sợi vào để sáng tạo loại sản phẩm tương ứng với rất nhiều hoa văn màu sắc, như hình ảnh con rồng cách điệu chỉ dành riêng cho người có chức sắc, còn người thường không được phép mang.

 

Chia theo cách thức đơn giản thì có hai loại khung: loại dệt dạng tấm và loại dệt dạng dải. Loại dệt dạng tấm dệt ra các sản phẩm như: khăn bàn, xà rông, khăn quàng, mền, khăn trải giường… Kích thước khung này tối đa là 95 - 240cm. Loại dệt dạng dải làm ra các sản phẩm như: túi, ví, dây lưng… kích thước 24-100m.

 

Chỉ riêng loại hàng dây đã cần tới 2 người dệt. Nghệ nhân Thuận Thị Trào cho rằng cái khó không chỉ ở kỹ thuật, mà còn ở tính chất của trang phục đó: như dây lưng vua chúa tới 18 go, nghệ nhân giỏi nhất dệt được 1 m/ngày. Còn ông thần Silva là go pô, phải 2 người dệt, 1 m/ngày. Hàng dây, quý nhất là để làm dây đai. Khi lên tháp, thầy cúng, ông sư cả đeo dây lưng.

 

Tùy vào những loại hoa văn trang trí mà người thợ có sự tính toán chính xác, kỹ lưỡng để mắc sợi bắt bông bên cạnh sợi nền. Ở khung dệt ngắn thì công việc bắt go được thực hiện ngay trên khung, cùng lúc với việc mắc sợi. Còn ở khung dệt dài, người thợ bắt go khi đã mắc sợi xong.

 

Ông Lưu Qúy Đôn, người mở xưởng dệt tại nhà hàng chục năm, cho biết: Đầu tiên là chuẩn bị sợi, xong thì móc sợi, quay sợi, tăm ra, công đoạn này rất công phu. Hồi xưa người Chăm trồng bông kéo sợi, 1 tấm xà rông giá trị rất cao, có khi mất 1 con trâu.

 

Từ bàn tay khéo léo của người thợ dệt, những sợi chỉ nhỏ li ti dần biến thành những mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh xảo.

 

Trên nền màu đen – đỏ, màu đặc trưng của thổ cẩm Chăm, các kiểu hoa văn hiện lên hết sức đa dạng. Từ những khối hình học cơ bản như: chim thú, hoa lá cách điệu, mỏ neo, kỳ nhông, rồng, phượng, đến các biểu tượng của dân tộc Chăm như hoa văn quả trám, hoa văn cách điệu hình rồng, hoa văn chân chim, hột lúa nổ, lá bồ đề…

 

Có loại hoa văn được bố trí trên toàn mặt vải như bông mặt võng, bông Chăm mới, các loại Bingu… Cũng có hoa văn được bố trí song song với nền sợi dọc như bông chân chó, bông thằn lằn, bông ne...

 

Đặc biệt nhất là hoa văn thần Silva, theo nghệ nhân Từ Thị Buôn, người dệt hoa văn này phải là người có phẩm chất đạo đức mẫu mực. Người đắp bông thần Silva được phải là người ăn ở đàng hoàng, bắt 6 tháng mới thành 1 bông, bắt xong rồi thành co để dệt. Kỹ thuật này phải giữ.

 

Từ vài mẫu hoa văn lưu truyền từ những hình ảnh chụp lại, các nghệ nhân làng Chăm đã sưu tầm được hơn 30 hoa văn nền, sau đó cách điệu thêm được khoảng 50 hoa văn khác.

 

Người Chăm lựa chọn hoa văn tùy theo mục đích sử dụng của trang phục. Aban (dằn) dùng làm váy cho phụ nữ. Khan (chăn) màu trắng dùng may áo liệm cho người chết. Khan còn dùng làm các loại khăn quấn đầu nam, khăn quấn đầu nữ, tấm đắp, khăn tắm… Cạnh đó, các loại Dalah sử dụng cho việc ma chay. Jih Aban, Jih Khan trang trí ở đường biên các tấm vải. Talei Ka-ing dùng làm dây thắt lưng... Những thiết kế hoa văn cổ thể hiện tình cảm và ước nguyện  của  người Chăm về một cuộc sống bình yên, no ấm.

 

Nghệ nhân Thuận Thị Trào chỉ từng đường nét trên khung dệt: Như tấm dây ông thần Silva này, nếu mất đi cái khung cuối cùng đó, cái gru đó, nghiên cứu lại rất công phu. Dỡ hẳn ra, đếm từng sợi và go vô từng go, rồi trong đó có cả ông thần có cả rồng, cả hoa văn kết hợp xưa và nay, thì phải là 300 go. 300 go đó mình làm phải hơn 1 tháng. Nhưng phải là nghệ nhân giỏi nhất trong làng mới làm được. Cái sáng tạo thì dễ,  khôi phục hoa văn thời vua chúa thì rất khó.

 

Trên khung dệt của mình, người Chăm gửi gắm biết bao triết lý sâu xa trong đời sống tâm linh, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo... Tựu trung, mỗi hoa văn đều hàm chứa nét văn hóa, góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc riêng của dân tộc Chăm.

  

Theo truyền thuyết, vào thế kỷ 7, bà Pônaga thấy vùng đất này thích hợp với nghề dệt, đã truyền lại nghề cho ông Xa và bà Chaleng là hai vợ chồng sinh sống ở làng Chaleng thời xưa (tức làng Mỹ Nghiệp ngày nay). Từ bà tổ nghề Pônaga, đến nay phụ nữ làng Chăm Mỹ Nghiệp học hết cấp 2 là đã dệt thành thạo các mẫu hoa văn cơ bản. Theo bà Thuận Thị Trào, con em đi học tỉnh xa về ngày hè cũng tranh thủ ngồi vào khung dệt vải, mà như là năng khiếu, đã có sẵn khung để đó, con gái nhìn mẹ làm qua vài bước là đã có thể biết làm.

 

Chị Phú Thị Hồng Nhị, người dân làng Mỹ Nghiệp tự hào: Chuẩn mục của người phụ nữ là ngoài việc đồng áng ra phải biết dệt.

 

Trong cuốn sách Le Royaume du Champa năm 1928 viết rằng: “Phụ nữ dệt lụa và vải, những vải tàng trữ ở trong kho các vua xưa chứng tỏ họ dệt rất khéo, họ biết dùng sợi vàng xen vào những sợi ngang để dệt một họa tiết mỗi mặt một kiểu khác nhau, thành ra không phân biệt được mặt phải mặt trái…”. Như vậy đủ biết nghề dệt cổ của người Chăm có từ rất xa xưa, và một trong những tiêu chuẩn đạo đức được Muk Thruh Palei (Bà Tổ Quê hương) đặt ra cho người nữ là phải thông thạo nghề dệt.

 

Thơ cổ người Chăm có đoạn: “đạo đàn bà giữ nhà, ham ăn người đời cười chê, tập dệt vải quay tơ”... Con gái khi về nhà chồng phải biết dệt vải, như câu ca:

Em tập đong, tập dệt

Mới đúng sách dạy phận nữ nhi

Khi em muốn tập làm

Gắng tập cho tinh, cho thuần thục…

 

Hơn hết, những đường chỉ sợi tơ, đó là cả một miền văn hóa sâu thẳm…

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

Thu Hòa biên tập bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC