Nghệ thuật làm giấy của người Dao
Thứ ba, 00:00, 13/12/2016 Hải Huyền bt ct Hải Huyền bt ct

(VOV4) - Từ những nguyên liệu rất đơn giản, sẵn có, như rơm, cây vầu hoặc cây dó, người Dao ở Yên Bái đã tạo ra những tờ giấy mềm mại, bền đẹp.

 

Thiếu cây “tờ kêu” không thể làm giấy


Ngày trước, cứ tầm tháng 7, tháng 8, nếu vào bản người Dao, dưới sân, trước hiên nhà đâu đâu cũng nhìn thấy bà con phơi khung giấy. Nắng to đem phơi mới có giấy trắng đẹp nên đây là mùa bà con bắt đầu làm giấy.

 

Rơm là loại cây được người Dao hay dùng để làm, nhưng phải là loại rơm nếp cái hoa vàng, giấy mới thơm. Anh Triệu Như Vượng, người Dao Quần Chẹt, ở bản Đá Gân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, chia sẻ kinh nghiệm: “Phải lấy cổ bông lúa nương, khoảng 18 – 20 phân. Cữ ấy làm giấy mới dai. Ngàn đời nay các cụ vẫn làm thế”.


Thu hoạch lúa, tách bỏ phần lớp áo ngoài của cây, người ta sẽ giữ lại phần rơm bên trong, đem cắt gốc, cắt ngọn, chỉ lấy thân rơm để làm giấy. Giấy của người Dao có hai loại: màu trắng và màu vàng. Ngoài rơm, người Dao Đỏ còn dùng cây vầu để làm giấy. Nếu như rơm tạo ra sắc vàng cho giấy thì vầu cho ra những mẻ giấy trắng tinh. 

Theo chị Triệu Thị Mến, người Dao Đỏ, ở xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, làm giấy bằng cây vầu rất vất vả, phải lặn lội vào tận rừng sâu, lựa chọn được những cây vầu non mới có thể làm được những tờ giấy đẹp.

“Ngày xưa người ta cứ bảo âm phủ muốn được giấy đẹp thì chịu khó mà đi lấy cây vầu về làm. Phải chọn cây nó vừa lên mà chưa ra lá. Mình chỉ lấy đoạn dưới thôi chứ còn chỗ non quá nó sẽ bị thối, già quá nó sẽ bị cứng” - chị Mến nói.

Tuy nhiên, sẽ không thể làm ra giấy nếu như thiếu đi một loại cây tiếng Dao gọi là “tờ kêu” – loại cây thân dây, có thứ nhựa kết dính bột giấy và không dính vào phên giấy.

 


Giấy đẹp do tay người khéo. Ảnh: Dân Việt


Công phu làm giấy

 


Sau khi đã có rơm, có vầu, người Dao bắt tay vào công đoạn làm giấy. Công việc này có khi kéo dài cả tháng trời. Buộc rơm thành từng bó, đem luộc với nước vôi và tro từ 10 – 12 tiếng cho rơm mềm. Sau đó bỏ vào chiếc sọt được quây bằng lá sạch mang ra suối ngâm 10 – 15 ngày, thậm chí cả tháng, rồi vớt lên cho vào cối xay nát, lọc đi lọc lại nhiều lần để lấy phần bột mịn. 


Nếu làm giấy từ cây vầu non, người ta sẽ cạo bỏ phần vỏ xanh bên ngoài, bỏ mắt, chặt khúc rồi chẻ đoạn nhỏ, buộc thành bó, luộc mềm, và thực hiện các công đoạn như với rơm.

 

“Giã càng lâu, càng nhuyễn mịn thì giấy càng đẹp càng bền. Ngày xưa chị giã phồng hết cả tay” – chị Mến nói.


Sau khi đã có bột mịn, bà con cạo sạch vỏ cây “tờ kêu”, đập dập rồi ngâm nước khoảng một tuần. Khi cây tiết ra nhớt, lọc lấy nước cốt rồi pha lẫn bột giấy khuấy đều, tạo thành hỗn hợp kết dính. Đó chính là hỗn hợp nước giấy để làm thành giấy.


Nhưng nếu như người Dao Đỏ chỉ trộn bột giấy với cây “tờ kêu” để tạo thành hỗn hợp lỏng làm giấy thì người Dao Quần Chẹt lại khác. Họ lấy bột rơm trộn với bột của cây dó. 

 

“Cây dó bóc về, tước vỏ ngoài lấy thịt của vỏ, buộc thành bó rồi luộc khoảng 1 ngày 1 đêm. Đem ngâm nước cho nó mủn dần, mới băm rơm với dó, trộn vào nhau. Xong, lọc xơ, lấy phần tơi nhất là phần thịt làm giấy. Dó phải nhiều hơn, nếu mà rơm nhiều hơn, lúc mình ép để bóc nó thường hay đứt” – anh Vượng nói.



Làm giấy phải có mắt nhìn!

 


Khi đã có hỗn hợp nước giấy, người ta căng một lớp vải phin mỏng, nẹp tre tạo thành một chiếc khuôn rộng một mét 2, dài 2 mét, tùy theo nhu cầu sử dụng của gia đình. Sau đó lấy gáo múc từng gáo nước tráng đều lên mặt khuôn như tráng bánh cuốn. Không dày quá, cũng không mỏng quá, phải đều. Nếu không coi như hỏng mẻ giấy.


Chị Mến lưu ý, tráng hỗn hợp lên bề mặt khuôn xong tuyệt đối không được di chuyển, phải để yên khuôn giấy tại nơi khô ráo, dưới nắng mặt trời, phơi 2 – 3 nắng cho khô. Dựng khuôn tráng lên, dùng một thanh tre vót mỏng tách giấy ra khỏi khuôn, vậy là đã có giấy để dùng. 


Người Dao không chỉ dùng giấy đóng thành từng quyển để viết chữ, mà còn vẽ tranh, đục hoa văn để sử dụng trong các nghi lễ truyền thống.


Ngày nay, nghề làm giấy của người Dao không còn thịnh hành như trước, có chăng chỉ còn một vài gia đình sinh sống nơi vùng sâu, vùng xa.



Thu Cúc/VOV4


Hải Huyền bt ct

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC