Người Dao nhất định phải kiêng thịt chó
Thứ năm, 00:00, 08/12/2016 Thu 14/11 có băng Thu 14/11 có băng

(VOV4) - Với người Dao quần chẹt họ Triệu mốc ở Ba Vì, từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, nhất định phải làm ít nhất 5 đám chay. Chay thường, chay vừa và chay to. Đã làm đám chay thì nhất định không được ăn thịt chó.


 

Ông Lý Sinh Vượng, Phó chủ tịch UBND xã Ba Vì, không chỉ giỏi nghề thuốc nam mà còn hiểu biết sâu sắc phong tục văn hóa của người Dao. Ông Vượng cho biết: Người Dao ở Ba Vì mặc dù chỉ có 3 thôn nhưng tất cả các nghi lễ, phong tục đẹp của người Dao chưa bao giờ bị phôi phai. Hàng năm, ở đây vẫn thường tổ chức hai lễ hạ điền, một lễ vào tháng 3 khi bắt đầu vào vụ sản xuất, cuối năm các thôn lại tổ chức một lễ hạ điền để nhân dân đón tết.

 

Tết nhảy cũng được duy trì thường xuyên, tổ chức theo dòng họ. Một trong những nghi lễ được duy trì cho đến ngày nay là đám chay. Đám chay có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Dao, dù gia cảnh giàu sang hay nghèo khó, người ta vẫn phải tổ chức đám chay.

 

Đám chay có ý nghĩa quan trọng trong đồi sống người Dao. Ảnh: dantri.com

 

Người Dao cúng tổ tiên theo dòng họ, bàn thờ được đặt tại nhà trưởng họ và phải đủ 2 bộ tranh thần gồm 18 bức. Việc sắm tranh không phải sắm cùng một lúc mà phải chia làm 3 đợt, tức 3 lễ.

 

Ông Lý Văn Phủ, trưởng thôn Yên Sơn, cho biết: "Không thể sắm cùng lúc được mà phải làm từng bước từ hạ, trung, thượng, xong sau đó mới sắm bộ to đấy. Mỗi lần sắm tranh là một lần gia đình đó phải mổ ba con lợn, sáu con gà, mời ba ông thầy cúng (hai ông thầy cả, một ông thầy phụ) cúng chay hai ngày hai đêm. Sau đó, phải làm lễ tạ mả nữa thì nhà có bàn thờ lớn mới thành nhà Tổ. Và chỉ khi nào nhà Tổ có đủ thủ tục rước bộ tranh thần về nhà, tức là có đủ 2 bộ tranh thần gồm 18 bức, thì gia chủ mới được làm Tết nhảy".

 

Khi đã thành nhà tổ, thì người Dao buộc phải làm đám chay. Một đời người phải có 5 đám chay. Họ sẽ làm một đám bình thường. Sau đó làm 2 đám chay cấp sắc. Đến một đám chay to. Xong, làm đám chay nhỏ nữa là hết đời người đó.

 

Một đời người phải làm 5 đám chay, đó là đối với họ Triệu Mốc, còn với các họ khác thì không nhất thiết. Ông Lý Văn Phủ cho rằng: "Ví dụ ở làng đây thì có họ Triệu Mốc cứ 1 đời phải làm 5 đám chay. Nếu đời ông cha không làm được thì đời con cháu vẫn phải làm lại thì mới đầy đủ. Họ khác thì không phải làm theo từng đời người mà chỉ làm theo quy định của nhà tổ thôi".

 

Người Dao ở Ba Vì thường làm lễ chay cùng với lễ cấp sắc. Khác với người Dao ở các nơi khác, lễ cấp sắc thường chỉ dành cho nam giới từ 10 tuổi trở lên, người Dao ở Ba Vì chỉ làm cấp sắc khi người con trai đó lấy vợ.

 

Đám chay của người Dao có 3 cấp: chay nhỏ, chay thường và chay to. Thời gian tổ chức mỗi đám khác nhau. Chay thường chỉ diễn ra một ngày một đêm thôi. Chay cấp sắc thì hai ngày hai đêm, có 7 thầy, 4 gái 4 trai phục vụ. Đám chay to làm ba ngày ba đêm.

 

Khi tổ chức đám chay, những người tham gia cần kiêng kỵ một số thứ: chuẩn bị làm đám chay, người Dao kiêng không ăn thịt chó (tết nhảy thì không kiêng).

 

Người Dao đỏ ở Ba Vì kiêng thịt chó, theo ông Lý Sinh Vượng, vì cái lý: "Những năm thế kỷ 13, ở Trung quốc nhiều nước đánh nhau, dân tộc Dao lúc đó được cho là yếu hèn cho nên phải trốn sang Việt Nam, đi bằng đường biển. Do thuyền buồm đi quá lâu, nó bằng gỗ nên bị bục, thì người ta phải để con chó chết đi, nó trương lên, lấy con chó nhét vào chỗ bục ấy để nước không vào được, không bị chìm thuyền. Nên khi lên bờ họ phải thờ ngay con chó. Người Dao kiêng không ăn thịt chó là như thế".

 

Xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội, có 3 thôn Yên Sơn, Hợp Sơn và Hợp Nhất. Đây là địa bàn cư trú của tộc người Dao quần chẹt trước đây sinh sống trên dãy Tản Viên. Người Dao quần chẹt ở Ba Vì nổi danh với nghề thuốc nam truyền thống, đặc biệt là các bài thuốc chữa bệnh gan, thận và xương khớp. Bà con nơi đây còn là nơi lưu giữ nhiều phong tục độc đáo.

 

 

 

 

Hoài Thu/VOV4

Thu 14/11 có băng

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC