Người Dao Quần Chẹt và công cuộc hạ sơn
Thứ hai, 00:00, 20/03/2017 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài

VOV4.VN – Trước Cách mạng tháng 8, người Dao Quần Chẹt chủ yếu sống ở sườn núi Ba Vì. Sống nương nhờ rừng, họ lấy nương rẫy làm kinh tế chủ đạo. Đặc biệt, nghề làm thuốc nam rất phát triển. Sau cuộc vận động hạ sơn, năm 1963, người Dao Quần Chẹt đã chuyển xuống định cư dưới chân núi Ba Vì. Từ đó, cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến rõ nét.


Theo ông Lý Sinh Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì, cũng như đồng bào Dao Quần Chẹt ở vùng núi phía Bắc, cộng đồng người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì đến Việt Nam từ thế kỷ thứ 13. 

 

Nơi đặt chân đầu tiên của người Dao Quần Chẹt là Hoành Bồ, Quảng Ninh. Do nhiều biến động lịch sử, trong quá trình di cư, người Dao Quần Chẹt đã chọn mảnh đất Ba Vì làm nơi định cư.

“Lên Hoành Bồ - Quảng Ninh, bắt đầu một số đi Phú Thọ, một số sang Lào, một số đi 6 tỉnh biên giới. Người Dao ở Ba Vì lên thẳng Phú Thọ. Do tập quán phát nương làm rẫy, đổ gốc ăn ngọn theo kiểu chim bay lạc ngàn, Phú Thọ hết rừng, mới sang Ba Vì còn rừng. Sang Ba Vì thì một số vẫn quay lại Phú Thọ, một số ở hẳn lại Ba Vì, không đi đâu nữa. Người dân ở núi Ba Vì rất lâu rồi" - ông Vượng nói.

 


Người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì rất giỏi nghề thuốc nam. Ảnh: Hà Nội Mới

 

“Trước năm 1963 ở trên núi, trên độ cao cốt 400 – 700m. Năm 1963 có chính sách định canh định cư thì lúc đó người Dao mới hạ sơn xuống chân núi, thì lại xuống thành hai khu: Một khu trực thuộc xã Ninh Quang, một khu trực thuộc xã Ba Chại. Hai xã đó nhường cơm sẻ áo để xã Ba Vì có đất nông nghiệp, bắt đầu tập cày bừa từ năm 1963 – 1964 đấy. Đến tháng 1/1991, chính phủ có quyết định 17, thành lập Vườn Quốc gia Ba Vì từ cốt 100m trở lên, lúc đó người Dao không được làm nương nữa, người Dao đi làm thuê, đi làm tứ xứ” – theo ông Vượng.


Mặc dù hạ sơn, nhưng người Dao Quần Chẹt vẫn sống tập trung theo từng thôn bản riêng biệt. Họ sinh sống trong những ngôi nhà nửa sàn, nửa đất. Xưa, ngôi nhà chia thành hai khu riêng biệt dành cho nam và nữ. Ranh giới hai bên, không được bên nào vi phạm.


“Người ta tìm vị trí có tà ly 45 độ dốc để người ta làm phần trong là nền đất, phần ngoài tức phần dưới là sàn. Bây giờ cũng còn, nhưng rất ít thôi. Ngôi nhà ngày xưa có 2 cửa vào: một bên cửa bếp và một bên cửa chính. Phân ra thành hai khu: khu nam giới và khu nữ giới.  Ngày xưa có cái vách, việc bên trong bếp là của con gái, việc bên ngoài là của con trai. Hủ tục đó bây giờ xóa bỏ rồi. Ngày xưa còn kiêng mùng Một Tết khách đến nhà phải là người đàn ông. Người ta bảo là có người đàn ông đến để cho nó may” - ông Triệu Sinh Đức, người Dao ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, cho hay. 

 

Xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội hiện nay là xã duy nhất của thủ đô có người Dao Quần Chẹt sinh sống, chiếm tới 98% dân số trong toàn xã.

 

 

 

Thu Cúc/VOV4

Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC