VOV4.VN – Trang phục của người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì luôn thêu hoa văn hình con chó, thuyền buồm. Đó là lời nhắc nhở về quá trình di cư gian khổ của tổ tiên.
Có chồng, mặc áo dài vấn lên thắt lưng
Để nhận biết người Dao Quần Chẹt không khó, chỉ cần nhìn vào bộ trang phục sẽ biết ngay.
Bộ trang sức của nữ giới gồm 5 vòng cổ, dây xà tích và quả đào, vòng tay, biểu tượng cho sự may mắn. Từ bắp chân quấn xà cạp trắng lên tới gối.
Đàn ông Dao Quần chẹt xưa cũng mặc quần vải màu trắng nhưng không bó. Cổ
áo lót vải đỏ. Trên thân áo chàm có 3 túi thêu hoa văn. Hai túi đáp hai
bên bụng và một túi trước ngực. Sau lưng áo có chùm tua vải màu xanh,
đỏ, vàng.
Điệu múa chuông của người Dao Quần Chẹt. Ảnh: vinaculto.vn
“Người Dao Quần Chẹt mặc áo dài, vắt lên thắt lưng. Áo dài buông xuống là lúc đứa con gái chưa lấy chồng, còn lấy chồng rồi vấn lên cho nó gọn gàng. Quần ở dưới này bó lại thì là người Dao Quần Chẹt” – ông Triệu Sinh Đức, ở thôn Yên Sơn, Ba Vì, Hà Nội, cho hay.
Ông Lý Sinh Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì, nói xưa con trai người Dao Quần Chẹt còn quấn khăn xếp trên đầu. Trên chiếc khăn ấy thêu con chim, biểu tượng của mặt trời.
Trang phục phải thêu hoa văn thuyền buồm, con chó
Trên áo của phụ nữ Dao Quần Chẹt được thêu rất nhiều hoa văn như cây
tùng, hoa văn mặt trời. Có một loại hoa văn bắt buộc phải có là hoa văn
thuyền buồm và hoa văn hình con chó. Hoa văn này có liên quan đến tích
truyện di cư của người Dao Quần Chẹt.
Hoa văn thêu trên túi áo ngực của đàn ông Dao Quần Chẹt
Theo truyền thuyết vượt biển của người Dao Quần Chẹt, họ phải nương nhờ thuyền buồm vươn khơi để đến Việt Nam. Trong những tháng ngày lênh đênh trên biển, thuyền thủng, buồm rách, nước ngập lênh láng. Để cứu nguy, người ta phải nhét con chó mang theo vào lỗ thủng mới ngăn được nước tràn thuyền, tổ tiên người Dao Quần Chẹt mới thoát được kiếp nạn. Ngay sau khi cập bờ, họ lập bàn thờ để thờ con chó đã cứu nguy cho họ.
Ông Lý Sinh Vượng bảo, thêu hoa văn thuyền buồm là để nhớ về quá trình di cư đầy gian khổ của tổ tiên, có hoa văn con chó là để dạy con cháu biết ơn nghĩa làm người. Và đó cũng chính là lý do vì sao người Dao Quần Chẹt không bao giờ ăn thịt chó, hoặc giết chó, mà luôn coi chó là bạn.
“Ngay cả trên bàn thờ, 2 bức tranh mô tả con chó, thuyền buồm cũng được đặt tôn nghiêm để thờ" - ông Vượng nói.
Bạn có biết vì sao người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì còn được gọi là Mán Sơn đầu không? Ông Lý Sinh Vượng giải thích: “Sơn đầu là người con gái dùng sáp ong sơn đầu để cho nó bóng nhẵn thín, không có tóc rơi xuống đồ ăn, nấu cơm, nấu nước, nấu rau. Chỉ có thế thôi. Sau một tháng đánh sạch đi, lại phải sơn lại. Mà ngày xưa rất lạc hậu, thậm chí dép không cho đi. Đi dép là sáng dậy nấu cơm nó kêu, ông bà không ngủ được. Phải đi chân không thôi. Nó khổ như thế. Bây giờ thì hết rồi!”.
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận