Người Hà Nhì cúng diệt lửa
Thứ sáu, 00:00, 16/12/2016

(VOV4) - Các dân tộc ở miền núi canh tác bằng phương pháp “đao canh hỏa chủng” như người Hà Nhì ở Mường Tè, Lai Châu, lửa là yếu tố được bà con rất coi trọng. Khi phát nương, đốt rẫy, lửa cháy nhanh, cháy mạnh, cung cấp cho đất lượng dinh dưỡng dồi dào để cây trồng phát triển. Mặt khác, lửa cũng là thứ giặc mà bà con phải chú ý phòng ngừa. Vì thế người Hà Nhì có riêng một nghi lễ là lễ cúng diệt lửa.

 

Ý thức phòng ngừa hỏa hoạn trong tín ngưỡng của người Hà Nhì được thể hiện rõ nét nhất qua lễ cúng diệt lửa. Nghi thức này thường diễn ra vào ngày thứ 2 của lễ cúng bản, tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm,  là thời điểm chuẩn bị bước vào mùa vụ canh tác mới.

 

Các bước tiến hành lễ và lễ vật trong nghi thức diệt lửa ở mỗi làng bản có sự khác nhau. Người Hà Nhì ở xã Mù Cả thì bày mâm lễ gồm 1 con gà trống đỏ, 1 bát gạo, 1 quả trứng, rượu, nước chè. Ở xã Ka Lăng, Thu Lũm, bà con lại dùng 2 con gà, 1 con vịt cùng 1 miếng thịt sấy khô. Tuy hình thức nghi lễ khác nhau, song đều nhằm một mục đích cầu mong cho lửa đừng bén vào bản làng, đất đai, cây cối... Những bẹ chuối tươi là vật lễ không thể thiếu ở bất kỷ địa phương nào.

 

 

Mâm lễ cúng diệt lửa của người Hà Nhì. Ảnh:baomoi.com

 

Ông Lý Anh Hừ, người Hà Nhì, huyện Mường Tè, Lai Châu, giải thích: "Lễ cúng phòng hỏa hoạn phải cúng tại nơi nước chảy, chỗ khe suối hay máng nước chảy qua. Cúng lễ đấy xong, bao nhiêu nóc nhà, người ta chặt bẹ cây chuối, phân công 1- 2 người vừa hô, thông báo các gia đình dập lửa hết, sau đó đi quanh quanh bản, lấy bẹ chuối tung lên nóc các nhà, mỗi nhà 1 cái. Muốn diệt lửa phải dùng nước, nên khi cúng phải cúng cạnh chỗ có nước. Cây chuối này cũng là cây có nước, cho nên người ta ném bẹ chuối lên nóc nhà cũng là một hình thức phòng lửa".


Ý thức phòng “giặc lửa” còn được bà con nhắc nhở thường xuyên trong cộng đồng, mỗi khi có ai đó có việc phải vào rừng, nhất là vào mùa khô hanh. Vì vậy, tự mỗi thành viên trong bản làng người Hà Nhì đều được trang bị ý thức phòng ngừa hỏa hoạn rừng ngay từ khi còn nhỏ.


"Vào những tháng mùa khô hanh, trưởng bản thỉnh thoảng đi hô quanh bản ở nhà phải dập lửa, nhà có trẻ con thì phải bảo không được nghịch lửa. Đi rừng cũng phải hết sức tránh, đi rừng có nhóm lửa thì trước khi về phải dập tắt lửa. Người ta luôn cảnh báo như thế. Vì cháy rừng thường do nguyên nhân khi đi săn bắn trong rừng, nhóm lửa, trở về quên không dội nước. Thứ hai là mùa ấy là mùa người ta tìm tổ ong, con dúi, nhiều người ban đêm đốt đuốc từ rừng về bản thì tàn lửa rơi xuống, gặp gió thổi là cháy" - ông Hừ kể thêm.

 

Trong quá trình canh tác của người Hà Nhì, khâu đốt nương phải đốt lửa trong rừng, bà con cũng có những biện pháp dân gian tránh để đám cháy lan rộng. Người Hà Nhì thường phát quang, dọn sạch lá khô, cây cỏ thành một vành đai ngăn lửa rộng khoảng 3-4m quanh khu vực đốt nương. Tất cả các thành viên trong gia đình được huy động để kiểm soát ngọn lửa. Hướng đốt bao giờ cũng từ chân nương lên đỉnh nương, từ đầu gió đến cuối gió. Bà con cũng chú ý tránh thời điểm nắng to, gió mạnh để việc kiểm soát đám cháy dễ dàng hơn.

 

Ông Lý Phi Trừ, ở khu phố 8, thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè, bảo: "Những người làm cháy rừng, bản  xử lý bằng cách như ngày xưa là bắt bồi thường một số vật chất cho bản. Không để yên đâu. Một là đưa ra bản kiểm điểm rút kinh nghiệm, mà hỏi lý do. Nếu mà anh cố tình, không có hành động ngăn lửa là bắt phạt gà, hay lợn, rượu để khi dân cúng bản thì sử dụng chung".


Ngoài ý thức phòng ngừa hỏa hoạn, cháy rừng, người Hà Nhì còn rất nhiều các quy định, luật tục giáo dục con cháu cách ứng xử với tự nhiên. Nhờ vậy mà đến nay, người Hà Nhì là một trong số ít các dân tộc còn bảo tồn được những cánh rừng tự nhiên ngay trong khu vực mình sinh sống.

 

 

Hoàng Minh/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC