Người Mông thổ canh hốc đá - Cách ứng xử thông minh với thiên nhiên
Thứ tư, 00:00, 24/07/2019 HH CT + 1 ảnh HH CT + 1 ảnh
VOV4.VN - “Sống trên đá chết vùi trong đá”... Người Mông ở các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, tỉnh Hà Giang - nơi địa đầu Tổ Quốc, thường giới thiệu về mảnh đất quê mình như thế. Có dịp đến bản người Mông nơi này, hẳn bạn sẽ hiểu vì sao họ lại có câu nói ấy.

 

Sống trên đá

Vùng núi Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hà Giang khắc trong tâm trí khách phương xa những cung đường cua tay áo, dốc đứng đến rợn người. Chỉ có đá chồng đá.

 

Nhưng, giữa điệp trùng núi đá, những mầm ngô vẫn vươn mình lên xanh tốt, hương sắc cỏ hoa vẫn đẹp đến nao lòng. Bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ ấy là "tác phẩm nghệ thuật" độc đáo của đồng bào Mông. Bằng cách ứng xử thông minh với thiên nhiên: thổ canh hốc đá, bao đời nay người Mông vẫn trụ vững trên những núi đá tai mèo.


Cuộc sống khắc nghiệt nơi đây đã được nâng niu gom góp từ những mầm cây lớn lên trong hốc đá. Ảnh: Tuổi Trẻ

TS Hoàng Sơn, nguyên phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho biết, người Mông là một trong những tộc người nam tiến muộn nhất khi đến Việt Nam. Do đó, những vùng canh tác màu mỡ đã có tộc người khác quản lý. Chỉ còn khu vực núi cao, khô cằn, người Mông chọn làm nơi định cư.

Sau khi hiệu quả của hình thức săn bắt hái lượm ngày càng thấp, họ chỉ còn cách canh tác ngay chính nơi họ sống. Sự lởm chởm của núi đá tai mèo tạo nên những khe đá nhỏ với tiết diện chỉ độ khoảng 10 – 12 – 15 phân vuông. Lớn nhất, may có khoảng 0,5 mét vuông là các vệt lõm trũng.

Với khí hậu ngày nóng, đêm lạnh, sự tích tụ hơi nước, tích tụ sương đã tạo độ ẩm cho các hốc đá. Họ tạo mùn, tạo đất để các thực vật trồng tại đây ký sinh, tồn tại.
 
"Tôi sẽ mô tả một cảnh như thế này: Hai vợ chồng người Mông, gùi hai cái gùi đằng sau là đất và cầm một mảnh bát mẻ vỡ. Họ múc và đổ vào các khe đá. Khe to đổ nhiều, khe bé đổ ít. Sau đó dúi vào 1 – 2 hạt ngô. Khỏa đi xong họ lại leo ngược lên trên đỉnh. Họ lợi dụng các hốc tự nhiên là cơ bản. Còn ở khu vực nhất định nào đó, với khả năng con người họ có thể di chuyển một vài hòn đá để mở rộng khoảng đất. Hoặc đập, be lại, chắn lại để tạo ra những khoảng bằng giữ được hơi nước, độ ẩm. Họ vẫn tu tạo để 1 cái hốc trồng được nhiều cây. Đó là thổ canh hốc đá". - TS Sơn cho hay.
   
Cuộc sống khắc nghiệt nơi đây đã được nâng niu gom góp từ những mầm cây lớn lên trong hốc đá. "Người Mông chúng tôi chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên chúng tôi phải cố gắng trồng. Tăng thêm một hốc ngô trên đá sẽ góp phần cải thiện thêm cuộc sống của chúng tôi". - Chị Giàng Thị Dí, tổ 2, thị trấn Mèo Vạc tâm sự.

Bắt đá nở hoa

Từ trên cao nhìn xuống, những ngôi nhà trình tường nhỏ nhỏ, xinh xinh trong vòng tròn đá, điểm tô là màu no ấm của những dây đậu, dây bí leo lúc lắc quả. Bức tranh bình yên như nét chấm phá trên nền xám của đá tai mèo.


Ngô là loại cây tự tồn mãnh liệt, có thể sinh trưởng ở mảnh đất khắc nghiệt này. Ở những vạt đá tai mèo xám ngoét, công cụ len lỏi được vào những khe đá là con dao nhỏ, chiếc cuốc chim, liềm. Thậm chí, họ dùng chính đôi tay chai sần của mình để giật cỏ, bới đất. 

Từ những hốc đá tai mèo khô khốc, họ cõng trên lưng từng lu cở đất rồi bốc từng nắm nhỏ đổ đầy vào đó. Đất ấy, mùa mưa, lũ sẽ cuốn đi. Đến mùa trồng sau, lại… cõng. Họ nhặt đá xếp quanh miệng hốc giữ đất, giữ ngô. Sau vụ ngô xuân hè, tiếp tục trồng các loại đậu, rau, hoa màu khác cho vụ đông như đậu tương, đậu cô ve, rau xanh, trồng cỏ, tam giác mạch...

 

Anh Sùng Sính Vư thôn Thành Ma Tủng, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn cười tươi khi kể về công việc của mình. "Làm xong cỏ, chỗ có đất chỉ gùi phân. Nếu hốc đá nào có thể sử dụng được thì địu đất trồng vào. Gieo hạt vào mới cho phân lên, lại cho một lớp đất lên. Trong khi vun có thể sử dụng những rác lá rơi để bón cho cây. Suốt ngày leo đá thôi. Buổi sáng leo, buổi chiều leo, tức là leo đá suốt cả đời luôn, cho nên không có gì khó cả". 

Sự nhọc nhằn chưa dừng lại ở đó. Ngoài kỹ năng cải tạo đá, họ còn phải nắm vững thời tiết để quyết định gieo trồng. Tháng giêng là tháng thích hợp nhất cho việc phát cỏ, làm đất. Tháng 2, khi tiết trời còn phảng phất hơi sương, các gia đình bắt buộc phải lên nương tra hạt. 

"Ngô chỉ trồng có một vụ 1 năm. Mình trồng cho đúng thời vụ thì nó rất khó, ít nhất nó phải chênh lệch với việc làm đất 1 tuần. Mình phải căn cứ vào thời tiết. Đối với vùng cao hạn hán rất dài, có thể tháng 4 mới có mưa. Tháng 2 – 3 lúc đó bắt buộc mình phải gieo trồng, nếu không sẽ không đảm bảo vụ mùa. Tất nhiên khó khăn, nhưng dù khó khăn đến mấy cũng phải khắc phục. Sống trên đá, chết vùi trong đá. Dù chết cũng phải khắc phục để làm thế nào để phát triển kinh tế, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống"...

Giờ thì tôi không còn băn khoăn với câu hỏi sức mạnh nào đã khiến cho đồng bào Mông bao đời nay vẫn trụ vững trên sa mạc đá ấy. Khao khát về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, với ý chí quật cường, họ "bắt" đá tai mèo phải ra trái, nở hoa. Và họ đã làm được. Sức lao động và sáng tạo của con người đã tạo nên một kiệt tác trong mắt du khách.

Từ những sáng tạo ấy, năm 2014, phương thức thổ canh hốc đá của các cư dân cao nguyên này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chết vùi trong đá...

Đi dọc những cung đường núi đá tai mèo, ngoài những nương đá mướt ngô, hình ảnh in vào tâm trí bạn có lẽ còn là những bờ rào đá. Từ trên cao nhìn xuống, những ngôi nhà trình tường nhỏ nhỏ, xinh xinh trong vòng tròn đá, điểm tô là màu no ấm của những dây đậu, dây bí leo lúc lắc quả. Bức tranh bình yên như nét chấm phá trên nền xám của đá tai mèo.

Thào Vảng Sùng cười hiền khi kể về những bờ rào đá. Ở nơi mở mắt ra thấy đá như Yên Minh quê Sùng, sức sống của đá cũng như sức sống của con người. Đá tôi luyện ý chí, đá che chở cuộc sống bao đời của người dân quê Sùng.

"Đồng bào Mông chúng tôi xếp đá xung quanh nhà thứ nhất là tạo hàng rào để bảo vệ ngôi nhà. Ngăn chặn thú dữ, ngăn chặn kẻ thù tấn công. Giờ thú dữ không còn thì ngăn gia súc khỏi vào nhà phá hoại lung tung. Thứ hai, làm nhà ở một vị trí nhiều đá như thế bắt buộc người ta phải nhặt đá ở nơi người ta định làm nhà ra mới tạo mặt bằng. Khi nhặt hết đá ra thì nó cũng hiện ra đất để có thể trồng cây cối xung quanh nhà. Những cây đỗ, cây đậu, bí leo xung quanh nhà cải thiện đời sống".

Đâu chỉ có thế, trình tường nhà nếu không có đá, chỉ cần một trận mưa là có thể đánh sập ngôi nhà. Người Mông “bắt” đá nở hoa, “bắt” đá thành nơi êm ấm cho con người trú ngụ ở nơi được ví như cổng trời này. Và khi chết đi, người Mông cũng “bắt” đá làm chốn "dừng chân nơi cõi trần".

Những dòng họ người Mông ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn có tục xếp đá quanh mộ như gia đình Sùng Mạnh Hùng, Sùng Sính Vư thì đó còn là hình ảnh chẳng thể nào quên về quá khứ di cư gian khổ của tổ tiên. “Sống trên đá, chết vùi trong đá” cũng là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của người Mông nơi này.



Lâm Thanh/VOV4

HH CT + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC