Đặc trưng người Nùng Phàn Slình
Trang phục của người Nùng là màu chàm truyền thống. Nhưng riêng người Nùng Phàn Slình lại có thêm đặc điểm riêng biệt. Đó chính là hoa văn. Trên sắc chàm ấy, người ta thêu rất nhiều những hoa văn, họa tiết bằng len. Nhất là áo đi hội, những hình hoa hồi, hình trám trắng, trám đen, những tua len là những hoa văn, họa tiết màu xanh nõn chuối làm nổi bật sự duyên dáng của người phụ nữ.
Trang phục phụ nữ Nùng Phản Slình ở Hải Yến, Cao Lộc, Lạng Sơn. Ảnh: tuoitrethudo.com.vn
Hai bên thân áo người ta thường làm màu xanh nõn chuối. Đi kèm với bộ trang phục ấy người ta đeo kèm với cái túi nhỏ nhỏ. Bên trong túi được thêu những hoa văn hình tròn. Đàn ông cũng có trang phục thêu như thế, có họa tiết xung quanh viền áo hình chỉ màu xanh.
Ngày xưa người Nùng Phàn Slình chủ yếu tự trồng bông, kéo sợi, dệt vải cũng như trồng chàm để nhuộm trang phục cho mình. Phụ nữ và nam giới mặc áo cánh, quần vải bông nhuộm chàm. Những dịp đặc biệt hoặc khi đi chợ, các cô gái đội chiếc khăn trắng có những dải đen thêu màu sặc sỡ làm cho trang phục trở nên sinh động hơn.
ThS Lý Viết Trường, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học Quốc gia HN, người Nùng Phàn Slình ở bản Nà Lẹng, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn cho biết, ngày xưa người Nùng Phàn Slình chủ yếu mặc màu chàm. Từ cổ xuống hết phần thân áo có 7 cúc.
"Người ta quan niệm, áo của người Tày, người Nùng bắt buộc phải là 7 cúc thì mới là áo của người Tày và người Nùng. Nhiều dân tộc cũng mặc áo chàm. Khăn trên đầu thường người ta có hai màu là màu trắng và chỉ cũng là màu xanh lá chuối. Cả màu đen nữa. Người ta sẽ thêu theo kiểu màu trắng làm nền, màu xanh với màu đen cứ thành hình chấm chấm".
Ở nhà sàn
Ở Lạng Sơn, người Nùng Phàn Slình thường cư trú trong những nếp nhà trình tường, nhà gạch mộc và cổ xưa nhất là nhà sàn. Nhà sàn làm 2 tầng, được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên. Mái lợp ngói âm dương.
Trước đây, không gian tầng dưới được bà con sử dụng để nuôi nhốt gia súc, gia cầm, để vật dụng sản xuất như cuốc, cày… Từ dưới tầng một lên tầng 2 được nối bằng cây cầu thang. Và ở cây cầu thang này bà con thường làm bậc với số lẻ là 7 – 9 – 11. Và 9 bậc là con số đặc trưng được sử dụng hơn cả bởi đó là con số của sự may mắn.
Người Nùng Phàn Slình thường cư trú trong những nếp nhà trình tường, nhà gạch mộc và cổ xưa nhất là nhà sàn. Ảnh: tuoitrethudo.com.vn
"Nhà sàn bây giờ xuất hiện nhiều ở vùng Bắc Sơn, hay vùng Văn Lãng...vv. Và trên không gian tầng trên của nhà sàn người ta phân ra thành những không gian khác nhau. Chính cửa ra vào, nhìn thẳng ra nó chính là nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Trong không gian ngôi nhà chúng ta còn nhìn thấy thêm mặt bằng sinh hoạt đấy là nơi ngủ của các thành viên trong gia đình. Và người ta chia ra thành bên phía tay phải và phía tay trái của bàn thờ tổ tiên. Đấy chính là nơi ngủ của chủ nhà là nam giới. Thường là cao hơn. Còn ở đằng sau bàn thờ tổ tiên người ta có một cái ngăn buồng là nơi ở của vợ chồng, con cái". - ThS Trường nói.
Trong không gian ngôi nhà sàn của người Nùng Phàn Slình, ngoài nơi thờ tự thì bếp cũng là không gian quan trọng. Bếp có chiều rộng khoảng 1m, chiều dài 2m, thường được đặt ở phía bên phải bàn thờ. Và đây là nơi quây quần sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Vào mỗi buổi sáng thức dậy, họ ăn cơm ở đấy rồi đi làm. Tối về họ lại quân quần bên bếp để chuyện trò, sinh hoạt.
Thó tỳ
Người Nùng Phàn Slình sống quây quần thành từng bản. Mỗi bản có nhiều dòng họ sinh sống. Theo quan niệm của người Nùng Phàn Slình, người bảo trợ cho cuộc sống của những dòng họ ấy chính là Thó tỳ, hay còn gọi là thổ công. Với bà con, thờ Thó tỳ là bày tỏ lòng biết ơn đến người đã có công khai làng, lập bản.
Ở nơi đầu bản hoặc cuối bản của người Nùng Phàn Slình luôn có một miếu thờ Thó tỳ. Có bản có 2 miếu, đặt ở đầu bản và cuối bản. Bà con gọi đó là miếu ông, miếu bà.
"Miếu vợ, miếu chồng người ta chỉ là quan niệm với nhau thôi, chứ thực ra trong miếu thì chỉ có một bát hương ở giữa, hai bát hương bên cạnh, hai bên cửa vào có 3 vách, hình vuông, hai bên chân tường ta để thêm 2 bát hương nữa. Người ta có 5 chỗ cắm hương".
Anh Lý Viết Trường nói rằng, thổ công có vai trò quan trọng trong đời sống người Nùng Phàn Slình nên trong năm, bà con có nhiều dịp cúng lễ thổ công. Dịp cúng to nhất là vào Tết Nguyên Đán vào trưa ngày mùng 1 hoặc sáng ngày mùng 2 tháng Giêng. Lễ vật là một con gà trống thiến, hai chiếc bánh trưng, bánh bỏng, bánh khảo, vàng mã, bánh kẹo do mỗi gia đình trong bản dâng lên.
"Mỗi nhà bắt buộc phải có một mâm cúng như thế. Khi mà đến người ta sẽ bày ra theo thứ tự: dòng họ Lý là dòng họ đầu tiên đến khai bản Nà Lẹng người ta sẽ để ở đầu tiên, nơi trang trọng nhất. Tiếp theo người ta sẽ xếp hàng như thế, nhà nào đến trước sẽ để ở trước sau khi dòng họ Lý để ở đấy. Bản của em thì đông họ lắm. Khi mà cúng thổ công, nguyên tắc, người mà cúng phải kể hết tất cả các dòng họ sống ở trong bản. Người Nùng có họ Lý, họ Chu, Triệu, Hứa, Chương, Hà, Lăng. Ít nhất là có 7 họ là của người Nùng. Và trong đấy có thêm họ của người Tày cùng đến sinh sống là họ Đinh, họ Nông, họ Hoàng. Trong bản có sự cộng cư từ lâu đời của người Tày và người Nùng. Cái vị trí quan trọng người ta vẫn dành cho dòng họ Lý người ta đến. Và người mà đọc cái văn cúng, chủ trì buổi cúng ấy vào ngày mùng Một tháng Giêng là người họ Lý người Nùng Phàn Sình".
Ngoài Tết Nguyên đán, người Nùng Phàn Slình còn cúng thổ công dịp Tết thanh minh tảo mộ mùng 3/3 âm lịch; mùng 5/5, mùng 6/6 khi cúng ăn mừng lúa mới; rồi cúng thổ công trong tết Xíp Xí 14/7 – Tết lớn thứ 2 của người Nùng. Người ta mang lễ vật đến cúng thổ công để tạ ơn phù hộ một vụ cấy mới diễn ra suôn sẻ.
Không dừng lại đó, nhà có hiếu hỷ gia chủ đều đến miếu cúng cáo thổ công. Ví như trong đám cưới, gia đình mang hương, rượu báo với thổ công và mong được bảo trợ cho mọi việc diễn ra suôn sẻ. Khi ốm đau, trước đây người ta thường mời thầy Tào, thầy Then về nhà cúng bái. Trong nghi lễ, các thầy đều có nghi thức làm lễ xin phép thổ công.
Và trong tang ma, người Nùng Phàn Slình tin rằng: thổ công sẽ bảo vệ linh hồn người chết tránh sự quấy phá của mọi ma tà, quỷ quái, nên thầy tào phải có một lễ cúng thổ công. Đấy cũng chính là một hình thức chuộc lỗi với thổ công để linh hồn của người chết có thể siêu thoát lên trời.
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận