Người Xơ teng ăn trâu
Thứ hai, 00:00, 05/12/2016

(VOV4) - Người Xơ teng trân trọng một loài vật gắn liền với đời sống nông nghiệp, đó là con trâu. Con trâu không chỉ là tài sản mà còn là vật nuôi để hiến tế cho thần linh.


 

Theo TS A Tuấn, Viện nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, người Tây Nguyên không gọi lễ ăn trâu là lễ hội mà đó chỉ là một phần nghi thức để xóa bỏ những kiêng kỵ hay cầu mong ước muốn cho một cuộc sống tốt đẹp. Quy mô lễ này thực hiện trong gia đình và cộng đồng.

 

"Lễ ăn trâu diễn ra trong hai phạm vi, phạm vi ở cộng đồng, phạm vi  gia đình. Ở phạm vi cộng đồng thì liên quan đến nghi lễ chúc sức khỏe hoặc là nghi lễ ăn trâu vào nhà Rông mới. Thứ hai là gia đình có người đau ốm hoặc mùa màng bội thu thì họ sẽ tổ chức ăn trâu để cảm tạ thần linh. Trong gia đình có người ốm không qua khỏi, lúc này họ sẽ cầu xin ý kiến của một thầy cúng gọi là Pơ râu, họ nên làm gì. Vị Pơ râu phán xét làm một lễ theo ý nguyện của thần linh là phải làm lễ hiến sinh, mà vật hiến sinh là con trâu" - TS A Tuấn nói.

 

Khi chọn trâu hiến tế, người Xơ Teng phải tuân thủ nguyên tắc chọn trâu là con đực sừng to và cong, màu đen, không có dị tật. Con trâu to khỏe, trên 2 tuổi. Không được hiến tế trâu cái hoặc trâu đang có chửa, bởi vì trâu cái có khả năng sinh sản tiếp. Chính vì quan niệm này mà người Xơ teng khi hái một ngọn rau, hay khi bẻ măng, bao giờ họ cũng để lại gốc non để mùa sau còn khai thác tiếp. Đi bắt cá, săn các loài động vật thì họ tránh mùa sinh sản.

 

Trâu hiến sinh trong ngày lễ. Ảnh: baomoi.com

 

Trước kia, người Xơ teng tổ chức ăn trâu trong 7 ngày liên tục, gồm các nghi thức như bắt người ở, chặt cây gâng, trang trí cây gâng, dựng cây gâng, nghi thức ăn trâu, nghi thức ăn đầu trâu, trả người ở về nhà. Ngày nay, việc ăn trâu chỉ diễn ra trong 3 ngày.

 

Đầu tiên, người Xơ teng sẽ trang trí cột ăn trâu “prô gâng”. Cột gâng thường làm bằng thân cây gạo hoặc lồ ô. Trên cột gâng được trang trí rất nhiều những hình tượng liên quan đến đời sống nông nghiệp. Cột gâng là thế giới thu nhỏ của con người trong vũ trụ.


Cột gâng phản ánh thế giới 3 tầng. Tầng trên là tầng trời, nơi của vị thần cao nhất là thần sấm sét và hai vị thần chăm sóc linh hồn con người là hai vị thần song đôi Noa và Da. Tầng giữa là các vị thần còn lại như thần cây, thần rừng, các siêu linh, ma quỷ, thậm chí có cả con người vạn vật. Tầng cuối cùng của các siêu linh và người tí hon. Giáp ranh của tầng thứ hai và thứ 3  là nơi cư trú của thần nước.

 

Cột gâng được chôn ở vị trí trung tâm của nhà Rông. Trước khi chôn, người chủ lễ sẽ thực hiện nghi lễ cúng. Lời cúng có đoạn: “Hỡi thần Sấm Sét! thần Núi, thần Đất, thần Nước! Làng chúng tôi sắp ăn trâu. Xin thần cho phép để chúng tôi chọn vị trí này đào hố chôn cây gâng. Mong các thần đồng ý”.

 

Trong nghi lễ ăn trâu, người Xơ Teng sử dụng bộ chiêng xtang và những chiếc trống để làm các nghi thức tế lễ. Mở đầu cho hồi chiêng lễ là tiếng trống báo hiệu của chủ lễ. Ông là người dẫn đầu cho dàn cồng chiêng và đội xoang đi vòng quanh cây gâng theo chiều ngược kim đồng hồ. Đội cồng chiêng đi trước, nối theo sau là vòng xoang của các cô gái, cứ như vậy họ đi quanh cây gâng chín vòng theo nhịp cồng chiêng. Trong khoảnh khắc đó người ta bắt đầu hát thương trâu “nghê uội pô” để thể hiện lòng biết ơn của con người đối với trâu đã hy sinh cho cả cộng đồng.

 

"Đối với người Xơ teng thì hình thức hát thương trâu là một lối hát tự sự. Họ sẽ kể lể về con người đối xử với con trâu như thế nào. Từ đó, họ nhờ con trâu cứu giúp họ đi đến các thần linh để thay thế họ phục vụ cho thần linh để con người trong được khỏe mạnh" - theo TS Tuấn.

 

Hát thương trâu.  Ảnh: baomoi.com

 

Nếu ăn trâu trong phạm vi gia đình thì chỉ có các thành viên trong gia đình hát thương trâu, còn trong phạm vi cộng đồng thì ai cũng có thể hát để tiễn biệt trâu. Vừa hát thương trâu, người ta vừa cho trâu ăn cỏ và uống rượu. Đó là những ngọn cỏ ngon nhất. Con trấu ấy, với người Xơ teng, nó chết vì mục đích cao cả, thay cho cả cộng đồng để về với thần linh, phục vụ cho thần linh.

 

Thời điểm con trâu bị đâm là thời điểm khung cảnh nghi lễ tưng bừng và náo nhiệt nhất. Theo vị trí đã định, các nam thanh niên dùng những ngọn giáo được vót từ cây nứa bắt đầu đâm trâu. Việc đâm trâu phải nhanh gọn, nhát đâm để hạ gục trâu phải thật khéo léo sao cho đâm trúng gần tim nhất để khi trâu gục xuống phải nằm về bên trái, mắt trâu hướng về phía mặt trời mọc.

 

Theo quan niệm của người Xơ Teng, ai là người đâm trúng tim trâu thì trong năm sẽ luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, được các cô gái ngỏ lời nếu chưa có vợ. Lúc trâu nằm xuống đất, người ta phải đâm nhát cuối cùng theo sự chỉ đạo của chủ lễ, nhát đâm phải gần vị trí của tim. Lúc này những người phụ nữ sẽ lấy nước sôi được đun trong ống nứa đưa cho đàn ông đổ vào vết đâm.

 

Việc đổ nước sôi là nhằm không cho hồn trâu ra ngoài, phải chạy lên trú ngụ trong óc trâu, đồng thời khi đâm nhát cuối cùng trâu không kêu lên được. Trong trường hợp trâu kêu, người ta sẽ dội nước sôi vào miệng trâu vì họ cho rằng nếu trâu kêu trong lúc bị đâm là điềm không may cho cộng đồng.

 

Bản chất đâm trâu là vì mục đích hy sinh cho cả cộng đồng. Ảnh: baomoi.com

 

Phần thịt trâu sẽ được người ta chế biến các món ăn làm đồ cúng tế. Lúc này, người chủ lễ, trên tay cầm cây đót lấy tại cây gâng, lấy ít máu bỏ vào trong cái phễu. Sau đó ông thực hiện nghi thức bôi máu bằng cách dùng ngón trỏ chấm vào máu trâu rồi chấm lên trán và trước ngực. Nghi thức này được thực hiện cho tất cả các thành viên trong cộng đồng với mục đích cầu mong thần linh bảo vệ con người tránh khỏi ốm đau.

 

Ngày cuối cùng, cả làng lại tập trung đông đủ trước cây gâng để làm nghi thức hạ đầu trâu. Người chủ lễ cầm hai sừng trâu ném xuống đất, nếu đầu trâu nằm ngửa thì là điềm may, nếu đầu trâu nằm úp thì ông phải thực hiện lại cho tới khi đầu trâu nằm ngửa. Đồng thời, người chủ lễ sẽ khấn: “Hỡi các vị thần tối cao! Hỡi thần núi vị thần hộ mệnh của cả làng. Trâu đã được hiến tế. Hôm nay chúng tôi dùng máu để hiến cho thần. Xin các vị thần hãy phù hộ cho dân làng luôn được khỏe mạnh, con người không ốm đau bệnh tật, lúa luôn đầy kho, trâu bò đầy đàn”.

 

Sau phần cúng tế, người ta đặt đầu trâu lên một chiếc nia để chế biến, phần da đầu và thịt được băm nhỏ trộn đều với óc trâu cho vào ống nứa đem nướng chín. Món ăn này được chia đều cho các thành viên trong làng ăn để làm phép. Khi công việc đã hoàn tất, mọi người quây quần ăn uống, đánh chiêng, đánh trống vui vẻ múa ca.

 

Hiện nay, nghi lễ ăn trâu của người Xơ Teng nói riêng và các tộc người ở Tây Nguyên nói chung được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh khác nhau, tích cực có, tiêu cực có.

 

Theo TS A Tuấn: "Ý nghĩa nhân văn trước tiên là sự ứng xử giữa con người với thần linh, họ đặt niềm tin vào thần linh, họ làm như vậy là để tạ ơn thần linh, vì thần linh đã mang tới cho mình mùa màng bội thu, hoặc thần linh phù hộ cho mình sức khỏe. Qua lời cầu xin của mình con cháu lại khỏi bệnh. Mình dùng con trâu làm con vật hiến sinh để cảm tạ thần linh, đó là cái ứng xử rất công bằng giữa con người và thần linh, sự trao đổi, họ đem lại cho mình điều may mắn và mình phải trả ơn".

 

 

Việt Phú/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC