Nhà Chăm như cơ thể con người
Thứ năm, 00:00, 21/07/2016 Hải Huyền bt ctsm .2 Hải Huyền bt ctsm .2

(VOV4) - Triết lý âm dương, phồn thực thể hiện ở việc người Chăm phân biệt, gọi tên hai ngôi nhà trong khuôn viên là nhà đực và nhà cái. Người Chăm quan niệm làm nhà không đúng, làm ăn sẽ lụn bại, con cái không xum xuê.

 

Khuôn viên nhà – hình tượng cơ thể con người

Khuôn viên nhà Chăm thường có từ 5 – 7 ngôi nhà theo thứ tự, gồm nhà bếp, nhà tục, tức thang dơ, nơi dành cho đôi vợ chồng mới cưới ở và là nơi diễn ra mọi nghi lễ trong gia đình. Tiếp đến có nhà ngang, nơi bố mẹ và các anh chị em chưa vợ, chưa chồng của gia đình ở. Ngôi nhà song cho vợ chồng người chị gái đầu dọn tới, nhường nhà tục cho cô em gái thứ hai khi lấy chồng. Và cuối cùng là ngôi nhà dành cho người già. Ngoài ra họ còn có nhà để nông cụ, nhà để cối giã.

 

TS Lê Duy Đại, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, lý giải cách bố trí nhà như vậy bắt nguồn từ quan niệm âm dương ngũ hành truyền thống của người Chăm:

“Người Chăm cái gì cũng quy về ngũ hành, phồn thực, âm dương. 5 ngôi nhà là ngũ hành. Còn 7 ngôi nhà mà để cối xay, cối giã và có nhà để công cụ thì quan niệm của người Chăm thể hiện cái đầu của con người. Hoàn chỉnh của một cái đầu. Bảy ngôi nhà ấy có hai đôi mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, một cái miệng là 7”.


Theo TS Trương Văn Món, Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm" “Trong cung quy nhà cửa có âm dương ngũ hành. Kim, mộc, thủy, hỏa đầy đủ hết. Chính giữa có nhà bếp để riêng. Sau nhà phải có giếng. Giếng là nước. Ở giữa sân người Chăm rất kiêng cữ, vì người ta cho rằng chỗ đó là điểm hỏa. Ở sau nhà mư dâu, người ta thường làm một vườn rau nho nhỏ gọi là mộc. Đó là một khuôn viên nhà hoàn chỉnh. Còn bây giờ chuyện nó khác rồi, đất đai rất ít, có 50 – 100m thì làm sao đủ khuôn viên như vậy”  – TS Món nói.




Ngôi nhà người Chăm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: kienthuc.net.vn


Làng Chăm  không bao giờ có cây cổ thụ

 

Bạn đã bao giờ dạo chơi trong làng của người Chăm hay trong khuôn viên nhà Chăm ở Nam trung bộ? Nếu có, chắc hẳn bạn sẽ thấy làm lạ là hiếm khi thấy bóng cây, đặc biệt là cây cao, dù đây là xứ nắng nóng và ít mưa nhất nước? 

Thực ra, đó là cách người Chăm tránh những cơn bão miền Trung đổ bộ. Nó xuất phát từ niềm tin xa xưa của người Chăm, cho rằng cây cao là nơi trú ngụ của ma quỷ. Những nếp nhà nối tiếp nhau bao quanh bởi hàng rào bằng cây xương rồng hoặc tre. Nhưng loại cây dễ bắt gặp nhất là cây me.

Theo nhà Nghiên cứu văn hóa Sử Văn Ngọc, cây me chính là biểu tượng của làng Chăm: “Họ trồng cây me thì trồng ở góc phần Đông nam góc khuôn viên nhà. Cây me là biểu tượng của làng Chăm. Nếu không có cây me thì không phải là làng Chăm. Hơn nữa cây me để họ nấu canh, nấu chua để tạo vitamin C cho cơ thể”.

Và ở một xứ nóng như Ninh Thuận, làm thế nào bà con đối phó với thời tiết bất lợi ấy? Bí mật nằm ở hàng song nơi hiên cửa. Ông Sử Văn Ngọc cho hay, nhờ có hàng song này người Chăm mới chống chọi được cái nắng như rang của vùng duyên hải Nam trung bộ:

“Ngày xưa các làng Chăm ở ven rừng, cọp thường vào làng bắt chó, bắt dê, thậm chí bắt cả con người cho nên nhà quý tộc họ mới làm cái song thế này. Những chiếc song hình thoi y như bức tường chống thú dữ. Hơn nữa, vì xứ Ninh Thuận, Bình Thuận là xứ nóng, tạo cái này để hút gió vào trong khuôn viên cho mát”.

Đi chọn gỗ, gặp điều bất thường phải quay về

Khi xưa dựng nhà, người Chăm rất cẩn thận trong việc chọn gỗ. Những cây gỗ quý như trầm bầu, bằng lăng, kun màu… là những lựa chọn đầu tiên. Đặc biệt, sự tỷ mẩn, công phu được đặt trọn vào ngôi nhà tục – ngôi nhà quan trọng nhất của người Chăm.

 

Khi đi chọn gỗ, bao giờ ông chủ nhà sẽ đi cùng những người thợ để giám sát. Cây trầm bầu, loài cây đẻ nhánh và phát triển tốt luôn được người Chăm chọn. "Người Chăm có câu tục ngữ “Đẻ nhánh như cây sả, bò nhanh như cây trầm bầu”. Nếu khó chọn quá, họ sẽ chọn cây khác, nhưng phải làm lễ thừa nhận cây đó là cây trầm bầu. Các nhà khác người Chăm chọn gỗ không cầu kỳ. Tiêu chuẩn thứ hai là chọn bụi cây. Một bụi có 9 cây, 10 cây, 11 cây cũng được, chặt thừa ra, nhưng 9 cây là tốt nhất vì có 9 cột" – TS Lê Duy Đại cho biết.

 

Người Chăm cầu kỳ đến mức đi chọn gỗ, gặp điều gì đó bất thường là lập tức họ quay về. Ra đường gặp chó, hoặc không may đập đầu vào cánh cửa cũng phải quay trở lại. Cây chỉ được chặt ở một vùng rừng hoặc một vùng suối, kiêng chặt cây từ quả đồi này sang quả đồi nọ, từ khe suối này sang khe suối kia.

 

Khi chọn được cây, người ta cũng phải làm lễ tiếp nhận. “Đi vòng quanh xe 3 lần, ông thầy hỏi ông chủ chặt cây như thế nào, chặt ở đâu… Và đặc biệt lúc trở gỗ về mà gặp trong làng có đám tang hay có một lễ cúng gì đấy thì đổ luôn cả đống cây ấy, không dùng nữa. Đó là điều không hay, mà người ta đổ hẳn chứ không tiếc”.

Dựng nhà tục tránh đóng đinh!

Nhà tục luôn đặt theo hướng Đông bắc, không có vì kèo và dựng cột chôn. Từ xưa đến nay, ít tiền hay có bạc tỉ, dù các ngôi nhà khác có thay đổi nhưng nhà tục tuyệt đối phải xây dựng theo truyền thống.

Theo người Chăm, nhà thang dơ như bản thể một con người nên khi dựng họ sẽ không làm vì kèo, không chạm trổ, đục đẽo, tránh cưa xẻ, đặc biệt tránh đóng đinh.

“Vì quan điểm nhà thang dơ là một con người thành ra không thể đóng đinh được. Người ta ví cây rui là xương sườn, đòn nóc là xương sống, hay cái gian ta dơ là ngực. Cửa nhìn sang nhà bếp là miệng” – TS Đại nói.

Lợp tranh: Phải chọn người!

Người Chăm lợp nhà bằng tranh. Họ có hai cách đánh tranh: đánh bốn hom như người Kinh, hoặc kết búi tranh vào hom và chỉ có một hom. Hom ấy phải là cây tre đặc, cứng cáp, chẻ đôi ra để đặt tranh. Người Chăm, do phân biệt đẳng cấp, do kinh tế, tầng lớp nghèo lợp bằng cỏ căm cú hoặc cỏ lác. Còn lợp tranh là người sang.


Ông Thành Mây, ở thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, bảo thời điểm làm nhà tốt nhất là tháng 3, tháng 6, tháng 8 và tháng 10 Chăm lịch. Khi lợp tranh, cũng phải coi ngày, tính tháng, chọn giờ đẹp, không được lợp tùy tiện và không phải ai cũng được lợp. Đặc biệt là những người có vợ nhỏ, vợ chết hay người có tang.

“Phải có vợ, có chồng đầy đủ, có con, có cháu đầy đủ thì lợp nhà. Để người ta lấy hên. Còn người mà bị vợ chết, hay người có vợ nhỏ, vợ lớn hay có cái này, cái kia thì người ta sợ, không nên. Khi cất nhà phải kiêng cữ lắm, 9 tháng. Mình không nên làm chuyện xấu, không đem cái gì không tốt vào nhà. Mình thấy cái gì không nên mình không đem vào nhà”.

Trong cách làm nhà, người Chăm đã gửi trọn trong đó nét nhân văn.

 

 

 

Đỗ Quyên/VOV4

Hải Huyền bt ctsm .2

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC